Sở Công Thương Quảng Nam: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm, nhân dân yên tâm phòng dịch Covid-19

MỸ LINH 31/07/2020 16:55

(QNO) - Hiện nay tình hình cung cầu thị trường bình ổn, nhu yếu phẩm đảm bảo đáp ứng tốt cho người dân, không có hiện tượng mua tích trữ những mặt hàng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Đây là đánh giá chung của Sở Công Thương về tình hình giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Tình hình mua bán tại các chợ vẫn ổn định, cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân. Ảnh: M.L
Tình hình mua bán tại các chợ vẫn ổn định, cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân. Ảnh: M.L

Giá cả các chợ ổn định

Theo báo cáo của Sở Công Thương, tại các chợ Hội An, Tam Kỳ, Vĩnh Điện (Điện Bàn), lượng khách đi mua sắm vẫn diễn ra bình thường, hàng hóa nhu yếu phẩm dồi dào, không thiếu hàng, không xảy ra tình trạng khan hiếm. Mặt hàng thủy hải sản, rau củ quả, lương thực, thực phẩm vẫn giữ ở mức bình thường, không tăng giá; thịt heo dồi dào không có tình trạng khan hiếm. Riêng tại chợ Hội An, ngành hàng vải, giày dép, may mặc hầu như không kinh doanh.

Tại chợ Ái nghĩa (Đại Lộc), tình hình kinh doanh buôn bán vẫn ổn định, không có hiện tượng đổ xô đi mua hàng. Các quầy tại lồng chợ chính, quầy ăn uống, giải khát nghỉ bán, còn các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ dân sinh buôn bán bình thường. Riêng có 2 tiểu thương có chồng đi đám cưới tại nhà hàng tiệc cưới For you Đà Nẵng, Ban quản lý chợ Ái nghĩa đã đóng quầy kinh doanh của 2 tiểu thương này và buộc cách ly tại nhà.

Tại chợ Nam Phước (Duy Xuyên), là chợ đầu mối về nông sản nên lượng hàng rau củ quả về đang có xu hướng giảm do hạn chế giao thông. Khách đến chợ ít, sức mua có giảm hơn nữa so với vài ngày trước đây. Các mặt hàng vẫn giữ mức giá ổn định, không xảy ra hiện tượng đổ xô mua hàng hóa tích trữ, lương thực.

Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ vẫn hoạt động ổn định, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng lương thực, thực phẩm dự trữ. Hàng hóa tại siêu thị phong phú, dồi dào, nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm đảm bảo.

Hoạt động kinh doanh mua bán ở các chợ huyện miền núi diễn ra bình thường, không xảy ra tình trạng mua hàng tích trữ lương thực, thực phẩm. Giá thịt heo, rau củ quả có tăng nhẹ vài nghìn đồng. Tuy nhiên, hiện nay, các xe chuyển lương thực, thực phẩm từ đồng bằng lên các huyện miền núi bị hạn chế do các trạm chốt chặn tại các địa phương không cho các xe này lưu thông.

Về kinh doanh xăng dầu, hiện các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh cam kết đảm bảo nguồn cung cấp xăng dầu phục vụ nhân dân trên địa bàn. Đồng thời thực hiện việc đeo khẩu trang giữa người mua và người bán xăng dầu, phân bổ lượng khách đến mua xăng dầu cho hợp lý, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tập trung đông người tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Biển cảnh báo được đặt tại các chợ. Ảnh: M.L
Biển cảnh báo được đặt tại các chợ. Ảnh: M.L

Đảm bảo đủ hàng hóa, lương thực thực phẩm

Theo nhận định của Sở Công Thương, Quảng Nam vẫn cơ bản đảm bảo cung cấp lượng hàng hóa về lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, rau củ quả, gia cầm... cho người dân, sẽ không có hiện tượng sốt giá, khan hiếm hàng hóa. Tại 18 huyện, thị xã, thành phố nguồn lương thực dự trữ trong dân và các nhà cung cấp luôn luôn đảm bảo để phục vụ. Tại các huyện miền núi, giá cả ổn định, ngang bằng với khu vực đồng bằng, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa.

Giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh hiện duy trì các mức giá sau:

Thịt heo vẫn giữ ở mức 145 - 170 nghìn đồng/kg tùy loại, thịt heo mông 145 nghìn đồng/kg, heo ba chỉ 160 - 170 nghìn đồng/kg (nguồn cung heo hơi chủ yếu từ Bình Định).

Giá thịt gà công nghiệp 60 - 70 nghìn đồng/kg; gà ta: 110 - 120 nghìn đồng/kg; trứng gà ta 4.500 - 5.000 đồng/quả, trứng gà công nghiệp 2.000 - 2.500 đồng/quả.

Giá các loại hải sản như: giá tôm thẻ trắng 80 - 100 nghìn đồng/kg, tôm sú loại lớn 300 - 400 nghìn đồng/kg, cá thu 170 nghìn đồng/kg, cá ngừ 60 nghìn đồng/kg.

Giá gạo ổn định, nguồn cung dồi dào, gạo thường: 12 nghìn đồng/kg, gạo thơm: 14 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, hiện nay, các xe chở heo, thịt heo (từ tỉnh Bình Định) ngại ra vào các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vì lo ngại sẽ bị chặn lại khi qua các trạm chốt chặn kiểm soát dịch bệnh Covid-19 nên không vận chuyển cung cấp hàng hóa. Do vậy, dự báo vài ngày đến nguồn cung cấp thịt heo hơi trên địa bàn tỉnh sẽ thiếu hụt, giá sẽ tăng.

Sở Công Thương đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện cho các xe vận chuyển lương thực, thực phẩm (chở heo, thịt heo, nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu) được phép lưu thông cung cấp hàng hóa giữa các địa phương, để không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.

MỸ LINH