Đầu tư hạ tầng điện
Quảng Nam là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển phụ tải lưới điện cao nhất miền Trung và Tây Nguyên - trung bình hơn 15%/năm. Ngành điện đã đầu tư kinh phí xây dựng, cải tạo hệ thống lưới điện theo hướng hiện đại và đồng bộ, ứng dụng công nghệ, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của khách hàng.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển hệ thống lưới điện được lập tại từng giai đoạn, cộng với sự phối hợp, quan tâm của ngành điện, nhiều công trình đầu tư phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng mới. Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tại Quảng Nam, EVN đang triển khai đầu tư các công trình: thi công đường dây 220kV Thạnh Mỹ - Duy Xuyên, trạm biến áp (TBA) 220kV Duy Xuyên, lắp đặt bổ sung 2 máy tại TBA 220kV Tam Kỳ...
Về lưới điện phân phối, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đang triển khai đầu tư 12 công trình trạm và lưới điện 110kV, với tổng vốn 1.132 tỷ đồng. Đến nay, nhiều công trình như TBA 110kV Thăng Bình 2 và nhánh rẽ, TBA 110kV Tam Thăng và đấu nối, TBA 10kV Tam Anh, TBA 110kV Đại Đồng và đấu nối... đã hoàn thành và đưa vào vận hành, góp phần cung cấp điện an toàn, ổn định.
Thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển lưới điện thông minh theo đề án của EVNCPC, đến nay, PC Quảng Nam đã hoàn thành dự án xây dựng Trung tâm điều khiển và chuyển đổi 100% TBA 110kV sang chế độ vận hành không người trực. Sau khi chuyển sang vận hành TBA theo mô hình không người trực, nhân viên quản lý vận hành giảm từ 60 đến 70%. Nhờ đó, công tác theo dõi quản lý vận hành thiết bị, thao tác đóng cắt tại các TBA 110kV do Trung tâm điều khiển thực hiện từ xa qua các hệ thống SCADA và hệ thống camera với công nghệ tiên tiến hiện đại, bước đầu đã đem lại nhiều lợi ích trong công tác quản lý vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh ở đơn vị.
Đột phá trong việc ứng dụng công nghệ cao vào quản lý, vận hành lưới điện là PC Quảng Nam đã triển khai vệ sinh TBA 110kV bằng công nghệ sử dụng nước áp lực cao mà không phải cắt điện (công nghệ hotline). Trước đây, theo định kỳ, mỗi năm PC Quảng Nam đều phải tổ chức rửa, vệ sinh sứ cách điện TBA 110kV một lần, nhằm chống rò rỉ, tổn thất điện năng và loại bỏ các nguy cơ mất an toàn về điện. Mỗi khi vệ sinh TBA 110kV, công nhân kỹ thuật phải vệ sinh hoàn toàn bằng thủ công và huy động số lượng lao động lớn tham gia. Hơn nữa, để vệ sinh sứ cách điện phải cắt điện 8 - 10 giờ, gây mất điện toàn bộ khu vực, làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của khách hàng sử dụng điện.
Hiện nay, đối với vệ sinh TBA 10kV bằng công nghệ hotline, PC Quảng Nam áp dụng theo quy trình nghiêm ngặt, đòi hỏi phải trang bị đầy đủ các loại vật dụng, thiết bị động lực, thiết bị xử lý nước, xe vận chuyển. Công nhân ngành điện trước khi tiến hành công việc phải được đào tạo, tập huấn, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, khi vệ sinh sứ cách điện bằng nước áp lực cao trên đường dây dẫn điện; không được làm việc khi có mưa, chỉ được tiến hành trong điều kiện thời tiết bình thường. Nước dùng để rửa được lọc sẵn từ trước, đảm bảo đã xử lý hết tạp chất, trở thành nước tinh khiết, không còn khả năng dẫn điện.
Theo ông Trần Văn Anh - Trưởng phòng An toàn (PC Quảng Nam), vệ sinh TBA 110kV bằng công nghệ hotline đang được đánh giá cao về độ an toàn, về quy trình được giám sát chặt chẽ từ khâu lập phương án kỹ thuật, hệ thống cấp nước đến khâu kiểm tra kỹ thuật vận hành của công nhân cũng như xử lý tình trạng nhiễm bụi bẩn bám ở các chuỗi sứ và thiết bị trên TBA một cách nhanh chóng. Đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của khách hàng trong khu vực. “Việc ứng dụng công nghệ hotline trong công tác vệ sinh TBA 110kV đã giúp cho PC Quảng Nam ngăn ngừa các sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, phục vụ hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - ông Anh nói.