Thị trường nội địa Quảng Nam: Chỗ dựa từ “sân nhà”
Thị trường nội địa đã thực hiện tốt vai trò bệ đỡ ở “sân nhà”, giúp các cơ sở sản xuất thực phẩm thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh thâm nhập sâu vào thị trường, qua đó tích lũy các điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất.
Vai trò bệ đỡ
Co.opMart Tam Kỳ đã hoàn thành việc đón nhận bánh chưng “bà Ba Hội” (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) để tiêu thụ ở siêu thị. Chị Huỳnh Thị Thu Thủy - chủ cơ sở bánh chưng “bà Ba Hội” cho biết, rất kỳ vọng vào sự phát triển của thương hiệu bánh chưng được gầy dựng từ nhiều đời.
Theo chị Thủy, bánh chưng là sản vật tinh túy mang đậm dấu ấn ẩm thực, văn hóa của người dân đất Quảng nên rất nâng niu trong mọi công đoạn chế biến. Bánh chưng được gói không phải lá chuối quen thuộc mà là lá dong tự nhiên ở huyện Nam Trà My, rất mềm, dẻo, gói xong bánh rất góc cạnh, bắt mắt. Nguyên liệu chế biến phải là nếp bầu Tam Mỹ (huyện Núi Thành), là đặc sản thơm, ngon, chất lượng. Đậu xanh và thịt heo phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Ngay cả dây cột bánh chưng cũng phải là dây chẻ từ cây luồng ở vùng núi phía Tây Bắc. Nhờ đó, từ chất lượng cho đến mẫu mã, bánh chưng “bà Ba Hội” là sản phẩm hàng hóa hoàn chỉnh, mang đậm hương vị xứ Quảng.
“Ngoài Co.opMart Tam Kỳ, chúng tôi còn tìm cách xâm nhập nhiều thị trường khác như các chợ đầu mối, cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị Big C, đưa lên sàn thương mại điện tử quốc gia. Thương hiệu bánh chưng “bà Ba Hội” đã định hình trong người tiêu dùng rồi, mình phải biết cách bán nhiều, tích thêm vốn liếng, công nghệ để giảm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả sản xuất. Thị trường nội địa là “bà đỡ” của chúng tôi” - chị Thủy nói.
Co.opMart Tam Kỳ đang hoàn thiện quy trình, thủ tục, hồ sơ, sắp sửa đưa bột ngũ cốc “cô Một” vào bán. Bà Nguyễn Thị Tiến (thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) - chủ cơ sở bột ngũ cốc “cô Một” cho biết, việc đưa sản phẩm vào bán ở siêu thị là bước phát triển đáng kể của cơ sở. Bởi, đáp ứng được các tiêu chí, quy định của siêu thị là kết quả dài hơi của nhiều nỗ lực. Trước đó, bột ngũ cốc “cô Một” đã tham gia nhiều hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu do Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) tổ chức.
Cần tiếp sức...
Có thể thấy rằng, “sân nhà” đã giúp các cơ sở sản xuất thực phẩm truyền thống trên địa bàn tỉnh có được thị trường ổn định để duy trì sản xuất, duy trì lao động. Đây là nền tảng để sản phẩm từng bước mở rộng thị trường. Sản phẩm nội nói chung đang dần chiếm ưu thế cạnh tranh về chất lượng nhưng người sử dụng vẫn còn tâm lý e ngại một phần do thương hiệu sản phẩm vẫn chưa lan tỏa. Vì vậy, để thực hiện tốt việc mở rộng thị trường nội địa, các cơ sở sản xuất cần đảm bảo đạt chuẩn hàng hóa để giữ uy tín, nâng cao sức cạnh tranh, vị thế sản phẩm, thương hiệu hàng hóa.
Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho rằng, thị trường nội địa giúp các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tăng “sức chống chịu” tốt hơn nhiều so với thị trường xuất khẩu, nhất là khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Với dân số gần 100 triệu người, quy mô của thị trường nội địa là rất lớn, giúp các cơ sở sản xuất vốn có quy mô nhỏ tăng sức đề kháng, thích nghi với thị trường. Điều cần thiết là các cơ sở sản xuất cần mạnh dạn áp dụng chiến lược xúc tiến thương mại, kinh doanh online, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, tạo thế liên kết để hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần đề xuất những chính sách hợp lý để phát triển hạ tầng thương mại bao gồm mạng lưới phân phối như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, ngoài ra còn phải chú ý phát triển cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ vận chuyển, tổ chức các kho dự trữ, hệ thống logistics, các trung tâm thu mua và giao dịch hàng hóa vùng miền... Nghĩa là tạo thuận lợi nhất để hàng hóa đi nhanh từ sản xuất đến tiêu thụ bán lẻ, bớt trung gian, thiết lập nhanh các chuỗi liên kết sản xuất phân phối.