Doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số
Chuyển đổi số đang là xu hướng trên toàn thế giới nhưng tại Việt Nam nói chung và nhiều doanh nghiệp (DN) tại Quảng Nam nói riêng, dường như vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho quá trình này.
Những DN tiên phong
Từ thực tế của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và thực tiễn sản xuất kinh doanh của DN, ngay từ khi đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, Thaco đã bắt tay triển khai xây dựng chiến lược nội địa hóa sản xuất lắp ráp ô tô theo hướng tự động hóa và ứng dụng số hóa, theo lộ trình áp dụng mô hình nhà máy thông minh. Đến nay, Thaco đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất các linh kiện như kính, ghế, nhíp, dây điện, linh kiện cơ khí, linh kiện nhựa, linh kiện composite...
Theo ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco, để thực hiện chiến lược chuyển đổi số, Thaco đã tập trung đầu tư máy móc thiết bị tự động, nâng cấp công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) thế hệ mới để tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Chính từ đẩy mạnh tự động hóa và ứng dụng số hóa đã giúp cho Thaco nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng hàm lượng công nghệ, giúp làm chủ quá trình sản xuất ô tô và linh kiện phụ tùng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản lý vận hành hệ thống lưới điện, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đã tạo những bước đột phá mới trên lộ trình số hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh và điều hành DN. Với hơn 400 nghìn hồ sơ khách hàng sử dụng điện, những năm trước đây, khi chưa số hóa hồ sơ lưu trữ khách hàng, việc lưu trữ hồ sơ mua bán điện của toàn bộ khách hàng chiếm quá nhiều diện tích; việc tìm kiếm thủ công thông tin khách hàng tốn nhiều thời gian, dễ nhầm lẫn.
Kể từ khi ứng dụng hệ thống phần mềm CMIS số hóa hồ sơ đã giúp PC Quảng Nam có bước đột phá trong việc quản lý kinh doanh điện năng chặt chẽ và khoa học, tạo nên chu trình khép kín, quản lý thông tin khách hàng thông suốt. Tính đến nay, 100% hồ sơ khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh đã được PC Quảng Nam số hóa. Bên cạnh đó, PC Quảng Nam cũng đã ứng dụng các phần mềm quản lý lưới điện bằng công nghệ GIS; quản lý kỹ thuật nguồn điện và lưới điện; hệ thống quản trị nguồn nhân lực DN; đưa vào sử dụng Trung tâm Điều khiển từ xa và trạm biến áp không người trực..., bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cũng chú trọng chuyển đổi số, những năm gần đây, Công ty CP Hồng Đào - Chu Lai ( Công ty Hồng Đào) đã có nhiều bứt phá trong nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng doanh thu và tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Công ty Hồng Đào đã chủ động đầu tư thay đổi công nghệ, áp dụng các công cụ cải tiến năng suất vào sản xuất. Công ty đã đổi mới công nghệ in Flexo 5 màu bằng đầu tư máy Flexo PL-Y4 in 5 màu liên hợp xẻ rãnh - bế tròn - xếp giấy tự động. Cùng với đó, công ty áp dụng công cụ 5S, Kaizen... để cải tiến năng suất sản xuất đã mang lại hiệu quả khá rõ, công suất tăng từ 20 tấm carton/phút lên 120 tấm/phút. Thời gian cung ứng đơn hàng theo ký kết vì thế mà rút ngắn. Trước đây phải tốn nhiều thời gian, nhiều lần thao tác cho từng công đoạn in, xẻ rãnh, bế tròn, nay chỉ thực hiện 1 lần với 15 phút. Nhờ đó, doanh thu bán hàng của công ty tăng 132,5%, khả năng cung cấp hàng hóa tăng 1,35 lần.
Đồng hành
Dịch Covid-19 bùng phát khiến việc điều hành của DN nào cũng đều khó khăn. Để ứng phó với dịch bệnh, các mô hình kinh doanh truyền thống dần thu hẹp, kinh doanh online bùng nổ… Từ đó, chuyển đổi số trở thành lựa chọn bắt buộc đối với DN nếu muốn tăng cường hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khi bắt tay vào chuyển đổi số, nhiều DN lại “loay hoay”, không biết bắt đầu đầu tư từ đâu.
Riêng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), chuyển đổi số cũng là một thử thách lớn về nguồn lực, cả đầu tư về hạ tầng lẫn con người. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 7.500 DN đang hoạt động sản xuất, trong đó DNVVN chiếm đến 97%. Phần lớn các DNVVN sử dụng quy trình công nghệ đã lạc hậu, trình độ quản lý thấp, lao động hầu hết là thủ công chưa qua đào tạo, được xem là “điểm nghẽn” cho quá trình chuyển đổi số của DN ở Quảng Nam.
Mới đây, sự kiện đáng chú ý đối với các DNVVN trong cả nước là Sàn thương mại điện tử Tiki cùng với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam ký kết hợp tác chiến lược, triển khai dự án “Hỗ trợ 500.000 DNVVN chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử bền vững” trong giai đoạn 2020 - 2022. Riêng năm 2020, dự án sẽ tiếp cận và hỗ trợ 150.000 DNVVN tại 30 tỉnh thành, trong đó có Quảng Nam.
Theo đó, Tiki sẽ phối hợp với các sở công thương tổ chức các khóa đào tạo giúp DN nắm vững kiến thức nền tảng để tăng cường khả năng quản lý và phát triển DN, tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến trên Tiki. Được biết, hiện nay trên nền tảng thương mại điện tử, Tiki đang được hàng triệu người dùng trên toàn quốc quan tâm với hơn 60 triệu lượt truy cập mỗi tháng, là sàn thương mại điện tử đáng tin cậy nhất trong nước.
Theo ông Nguyễn Viết Hà - Giám đốc Viễn thông Quảng Nam, chuyển đổi số cho DN là bước đi quan trọng hướng tới chuyển đổi số nền kinh tế. Phần lớn DN cũng thấu hiểu vai trò của chuyển đổi số trong phát triển DN, nhưng đa số không đủ nguồn nhân lực, tài nguyên và kinh nghiệm để tự triển khai chuyển đổi số cho chính mình.
Hiện nay, các dịch vụ của Viễn thông Quảng Nam được thiết kế theo hệ sinh thái số của Tập đoàn VNPT đang đáp ứng và kích thích nhu cầu cho DN chuyển đối số, như xây dựng hệ thống xác thực và định danh điện tử eKYC; hệ sinh thái CNTT chuyên ngành y tế, phần mềm văn phòng điện tử, phòng họp không giấy VNPT-eCabinet, dịch vụ hóa đơn điện tử, dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng VNPT-CA, dịch vụ kê khai bảo hiểm xã hội và các phần mềm ứng dụng quản lý kho hàng, kế toán doanh nghiệp, quản trị nguồn nhân lực, quản lý kênh phân phối…
“Viễn thông Quảng Nam đang chuẩn bị nguồn lực để chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông - CNTT đến tất cả khách hàng, các tổ chức, DN trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến” - ông Hà cho biết.