Kết nối cung cầu cho nông sản
Lỏng lẻo liên kết giữa sản xuất, phân phối và tiêu thụ đang là điểm yếu của hàng nông sản. Vậy, kết nối cung cầu như thế nào để giải quyết điểm yếu trên?
Khó đầu ra
Nắng chang chang, 11 xã viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Sen (HTX Phú Sen, xã Tam An, Phú Ninh) tất bật với các công đoạn tưới nước, chăm sóc cho rau quả canh tác trên 3ha. Đây là một trong những mô hình trồng rau sạch theo phương thức VietGAP điển hình của huyện Phú Ninh.
Bà Nguyễn Thị Minh Vui - xã viên canh tác các loại màu của HTX Phú Sen cho biết, dầm mưa dãi nắng nhưng thu nhập rất bấp bênh. Sau 4 năm sản xuất, HTX Phú Sen mới ký hợp đồng cung cấp rau củ quả cho các trường học trên địa bàn chứ chưa thể đưa vào bán ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Ngoài ra, các xã viên tự bán nông sản cho các tiểu thương kinh doanh ở các chợ đầu mối thuộc huyện Phú Ninh và TP.Tam Kỳ.
Bà Trần Ngọc Thanh Trúc - phụ trách HTX Phú Sen cho biết, rau củ quả được canh tác theo phương thức VietGAP, chi phí rất cao nhưng khi bán ra thị trường thì bằng giá với các loại rau củ quả canh tác bình thường là thiệt thòi cho các hộ nông dân.
“Ngoài Co.opMart Tam Kỳ, chúng tôi đã liên hệ làm việc với Big C ở TP.Đà Nẵng nhưng chưa thể phân phối rau củ quả sạch vào siêu thị được. Nguyên nhân là chúng tôi chưa thể cam kết cung cấp đủ các thành phần, chủng loại, khối lượng rau củ quả sạch thường xuyên” - bà Trúc nói.
Ở các siêu thị trong và ngoài tỉnh, có một số mặt hàng nông sản như gà Mười Tín (Tam Kỳ), trứng gà Văn Học (Phú Ninh), dầu thực vật Bảo Tâm (Tam Kỳ), dầu phụng đất Quảng (Điện Bàn)... đã được bày bán với các gian hàng bắt mắt, bố trí ở địa điểm dễ thu hút người mua hàng. Tuy nhiên, chỉ chừng đó là quá ít với kỳ vọng của nông hộ, các địa phương và ngành nông nghiệp. Mấu chốt nằm ở chỗ hàng nông sản chưa đáp ứng được các quy định, yêu cầu của các nhà bán lẻ. Như vậy, quá trình tạo dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thực sự bền vững. Nông sản chưa rộng đường đến tay người tiêu dùng là do thiếu sự liên kết trong sản xuất với lưu thông, phân phối, tiêu thụ.
Ông Huỳnh Tuấn Nhật - Chủ tịch UBND xã Tam An cho rằng, mô hình sản xuất rau VietGAP đáng để kỳ vọng nhưng quy mô nhỏ nên rất khó khăn trong việc liên kết với các doanh nghiệp (DN), nhà bán lẻ. “Mùa nắng thì nông hộ dầm nắng tưới nước cho rau củ quả cả ngày nhưng vẫn khô héo, còn mùa mưa thì dù liên tục tháo nước nhưng rau củ quả vẫn bị úng. Vấn đề của chúng tôi là cần DN có tiềm lực lớn liên kết với HTX Phú Sen để đầu tư quy mô hơn, trước mắt là bố trí nhà lưới, nhà giàn thật khoa học, bài bản nhưng khó quá” - ông Nhật nói.
Tháo gỡ khó khăn
Điểm nghẽn rất lớn để có được sự phối hợp của HTX và DN nằm ở chỗ nông dân rất thiếu về công nghệ, vốn, không biết cách nào mời gọi DN, còn DN lại thiếu thông tin về các vùng sản xuất để thấy được tiềm năng hợp tác, liên kết. Theo Sở NN&PTNT, chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản hiện nay gồm 3 phân khúc chính là khâu sản xuất, nhà phân phối và thị trường tiêu dùng. Những phân khúc này chịu ảnh hưởng của 6 tác nhân chính gồm nhà sản xuất, DN, nhà tiêu dùng, nhà quản lý, nhà khoa học và ngân hàng.
Ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho rằng, các HTX cần tích cực tìm kiếm thị trường cho mình, tránh tình trạng nhiều HTX hiện nay vẫn than thở rất khó đưa hàng hóa vào các chuỗi tiêu thụ, hệ thống phân phối lớn dẫn đến không tiêu thụ được sản phẩm. Các HTX chưa chú trọng đến khâu kinh doanh, dịch vụ, chưa tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại để có cơ hội gặp gỡ đối tác, tạo ra mối liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Bởi vậy, vấn đề quan trọng là kết nối cung cầu để thuận đường tiêu thụ nông sản.
“Quảng Nam đang mời gọi DN đầu tư vào nông nghiệp với rất nhiều ưu đãi, hỗ trợ. Các nhà bán lẻ như siêu thị cũng cần tham gia chuỗi nông sản khép kín để đưa nông sản ra thị trường thuận tiện, cắt giảm được những chi phí trung gian không cần thiết và khi đó các bên cùng có lợi, cả người tiêu dùng cũng hưởng lợi” - ông Nghi nói.
Nước ta đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nông sản của Quảng Nam đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm cùng loại đến từ nước ngoài. Không khó để nhận thấy các loại trái cây, rau củ quả nhập khẩu có mặt ở hầu hết thị trường từ chợ đến siêu thị, trung tâm thương mại. Chính vì thế, gắn kết bền vững giữa DN, HTX, các nhà phân phối và bán lẻ sẽ là bước đi bền vững, then chốt trong thời gian đến.