Giảm giá điện hỗ trợ khó khăn do dịch Covid -19: Nhiều công nhân, người lao động không được hưởng lợi
Thông báo và hóa đơn tiền điện tháng 5.2020 được ngành điện công khai giảm giá với cách tính cụ thể, gửi đến tất cả khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ... trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều gia đình công nhân, người lao động khó khăn đang thuê trọ không được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi này.
Chính sách thiết thực
Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) cho biết, tính đến ngày 23.5.2020, đơn vị đã thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện cho 411.815 khách hàng, với số tiền hơn 30,3 tỷ đồng. Cụ thể, có 385.935 khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, 25.880 khách hàng là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở phục vụ phòng chống dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Hai (trú phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) cho biết, trung bình hàng tháng gia đình bà trả khoảng 400 nghìn đồng tiền điện. Nếu tính bình quân giảm 10% thì mỗi tháng gia đình bà giảm được 40.000 đồng. Bà Hai cho rằng, việc giảm giá điện đã kịp thời hỗ trợ người dân nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, thể hiện sự quan tâm thiết thực của Chính phủ, của ngành điện hỗ trợ đến người dân.
Còn chị Trần Thị Hoa - công nhân may ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) cho biết, đầu tháng 5, gia đình chị đã được giảm 10% hóa đơn. Số tiền giảm tuy không nhiều nhưng rất ý nghĩa với những công nhân, lao động nghèo. Tuy nhiên, trường hợp ở trọ được thụ hưởng chính sách giảm giá điện như chị Hoa không nhiều. Nguyên nhân là do chủ trọ và cả người thuê trọ không thực hiện đúng theo Thông tư số 25/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương đã quy định về giá bán điện dành cho người lao động, sinh viên thuê nhà trọ.
Thông tư số 25/2018/TT-BCT của Bộ Công thương, có hiệu lực thi hành từ ngày 26.10.2018 quy định cụ thể về việc áp giá bán điện sinh hoạt cho người ở trọ. Trường hợp thuê nhà có hợp đồng từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện. Trường hợp người thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 cho toàn bộ sản lượng đo đếm được tại công tơ. Nếu chủ nhà kê khai đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú. Cứ 4 người thuê nhà được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công nhân, người lao động đang ở trọ không tiếp cận được những chính sách ưu đãi về giá điện này.
Người ở trọ chịu thiệt
Theo Sở Công Thương, việc chủ trọ thu tiền điện của sinh viên, người lao động thuê nhà để ở theo giá điện cho mục đích kinh doanh là vi phạm quy định pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 6, Điều 12 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17.10.2013 của Chính phủ. Cụ thể: “Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt”.
Phần lớn công nhân, người lao động nghèo đang ở trọ không được tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm giá điện trong đợt Covid-19 mà chủ yếu các chủ cho thuê trọ được hưởng lợi nhưng lại không “san sẻ” lại cho người thuê trọ - người trực tiếp sử dụng điện. Hiện nay ở các khu nhà trọ cho thuê trên địa bàn tỉnh, phần lớn chủ trọ đứng ra quản lý thu và mua điện của ngành điện thông qua công tơ. Theo đó, mỗi tháng chủ trọ đóng tiền điện dựa trên công tơ tổng và hóa đơn của ngành điện gửi về, sau đó mới tính bình quân chung mức điện năng tiêu thụ rồi chia cho người thuê nhà.
Theo tìm hiểu, tại nhiều khu trọ của công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, mức tiền điện phải chịu mỗi tháng đang cao hơn so với giá điện sinh hoạt theo quy định. Cụ thể, hầu như công nhân, lao động nghèo đều phải trả tiền điện dao động từ 3.000 - 3.500 đồng/kWh trở lên.
Với thu nhập còm cõi, những công nhân, người lao động ở trọ, được giảm được đồng nào cũng là đáng quý. Thế nhưng, nghịch lý là đã không được hưởng chính sách của Nhà nước về đợt giảm tiền điện mới đây mà lâu nay là hàng tháng họ phải trả giá điện cao hơn bình thường, có khi gấp đôi so với mức giá của ngành điện. Bởi, nhiều công nhân, người lao động nghèo đang ở trọ không đăng ký, mua bán điện trực tiếp với ngành điện, mà mua điện thông qua chủ trọ.
Chị Nguyễn Thi H. (thuê nhà trọ ở phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) cho biết: “Khu trọ của tôi, chủ trọ thu với mức giá 3.000 đồng/kWh. Mới đây, nhiều người ở trọ biết thông tin Nhà nước có chính sách ưu đãi về việc áp giá bán điện sinh hoạt cho người ở trọ. Chủ nhà trọ cũng có lên danh sách người ở trọ để đi đăng ký nhưng thực tế những khoản hỗ trợ đó người ở trọ vẫn chưa được hưởng... Bởi sau đó chủ nhà viện dẫn nhiều lý do để vẫn thu tiền điện với giá cao”.
Ông Nguyễn Đình Viễn - Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương) cho biết, trong thời gian đến, Sở Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát việc đảm bảo cho người thuê nhà được hưởng giá bán lẻ điện sinh hoạt đúng quy định; lập kế hoạch, thực hiện kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giá bán điện đối với công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà; tăng cường công tác quản lý để hạn chế trường hợp chủ nhà trọ lợi dụng chính sách giá để thu lợi.