Để hàng Việt chinh phục người dùng

VIỆT NGUYỄN 07/06/2020 04:27

Trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cùng với kêu gọi sự hưởng ứng, ủng hộ của người tiêu dùng; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, kích thích người tiêu dùng tự nguyện mua sắm, sử dụng.

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh cần chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì, nhãn mác để tăng cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh cần chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì, nhãn mác để tăng cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhận diện hàng Việt

Hơn 10 năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng lan rộng đã tạo nên làn sóng dùng hàng Việt trong người tiêu dùng. Trên địa bàn tỉnh, nhiều nhóm sản phẩm, hàng hóa “made in Quảng Nam” được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng như các sản phẩm đồ gia dụng, nhóm hàng thực phẩm, rau, quả, các sản phẩm dệt may, nước mắm, trứng gà, nấm linh chi, lim xanh…

Bên cạnh đó, sức tiêu thụ hàng Việt ở các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, phiên chợ, điểm bán hàng lưu động trên địa bàn tỉnh cũng tăng mạnh qua từng năm. Những mặt hàng khác như ô tô, sâm Ngọc Linh ngoài phục vụ thị trường trong nước, cũng đã vươn ra xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về thương hiệu, tạo dựng được uy tín với người tiêu dùng ngoài nước.

Ở chiều ngược lại, nhiều người tiêu dùng Quảng Nam vẫn chuộng dùng hàng ngoại hơn hàng nội. Nguyên nhân có nhiều, tựu trung là các sản phẩm trong nước còn chưa thật sự đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập cao. Cũng có thể kể đến tâm lý của người tiêu dùng, do các sản phẩm trong nước còn chưa được quảng cáo, quảng bá rộng rãi, các chiêu thức khuyến mại còn chưa được đề cao đã tác động đến thị hiếu tiêu dùng...

Có thể nhận diện được các hạn chế về sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đó là sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều, vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả cao hơn so với các mặt hàng tương tự của các nước do chi phí sản xuất lớn. Bên cạnh đó, hàng Việt ít được cải tiến mẫu mã, bao bì, hình thức chưa bắt mắt… Trong khi đó, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng kênh phân phối cũng còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là liên kết giữa các chuỗi sản xuất và phân phối các mặt hàng như nông sản thực phẩm thiết yếu cho đời sống tiêu dùng còn nhiều khó khăn.

Việc đưa hàng Việt về nông thôn giúp các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng hơn. Tuy nhiên, cơ hội này chưa được tận dụng. Đáng nói, có doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thay vì chú trọng chất lượng sản phẩm do mình làm ra đã trà trộn, sử dụng hàng nhái, hàng giả gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Chị Phan Ngọc Bảo Thy (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) chia sẻ: “Hàng Việt hay hàng nước ngoài cần cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng vì quan trọng nhất là người tiêu dùng cần sử dụng hàng hóa đảm bảo. Muốn hàng Việt được người tiêu dùng lựa chọn thì phải chất lượng, an toàn, giá cả phải chăng”. 

Vận động, làm mới

Năm 2020, hàng hóa Việt Nam được đánh giá là chịu nhiều thách thức, nhất là do tác động của dịch Covid-19. Cùng với đó, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU và Hiệp định Bảo hộ đầu tư dự kiến có hiệu lực từ tháng 7.2020... sẽ khiến hàng hóa nước ngoài nhập vào thị trường trong nước nhiều hơn. Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất càng phải phát huy hết năng lực sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tại thị trường nội địa.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập trên thị trường, rất đáng mừng là gần đây, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa đảm bảo nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, bắt mắt về mẫu mã, bao bì.

Bà Nguyễn Thị Định - Giám đốc Công ty TNHH Nấm lim xanh Quảng Nam (xã Tam Dân, Phú Ninh) cho biết, công ty luôn chú trọng đưa chất lượng sản phẩm tốt nhất tới tay người dùng. Tất cả sản phẩm đều là thu hái tự nhiên bởi vậy sản phẩm luôn đạt hiệu quả chữa bệnh ở mức cao. Sản phẩm nấm lim xanh được công ty đưa tới người tiêu dùng đều được kiểm định công bố chất lượng sản phẩm từ ngành y tế.

Theo ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, không thể cứ vận động người dân “ưu tiên” mua hàng Việt về sử dụng mãi mà cần thay đổi, hàng Việt phải chinh phục người tiêu dùng bởi ưu thế, sự vượt trội về nhiều mặt so với sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại. Muốn vậy, Quảng Nam cần phấn đấu để trở thành một trong những trung tâm sản xuất và phân phối nhiều nhóm hàng hóa tiêu dùng và thiết yếu, nhất là nông sản thực phẩm, rau, quả. Được vậy, sẽ là động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm công ăn việc làm, gia tăng giá trị và lợi nhuận cho chuỗi sản xuất, phân phối hàng “made in Quảng Nam”.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tạo cú hích phát triển hàng hóa, sản phẩm chất lượng trên địa bàn tỉnh, rất cần nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ từ cơ quan nhà nước. Đó là các hỗ trợ, chính sách cho sản xuất và phân phối sản phẩm, tiếp cận đất đai, nguồn vốn, khoa học - công nghệ, quảng bá tiếp thị sản phẩm... Một khi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận được sẽ nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giảm bớt những khâu trung gian, hàng hóa có tiền đề vững chắc để chinh phục người dùng trong nước, hướng đến xuất khẩu, phát triển thực sự bền vững, hiệu quả.

VIỆT NGUYỄN