Thăng Bình phát triển sản phẩm OCOP

THU SƯƠNG - MINH TÂN 04/06/2020 10:10

Năm 2020, huyện Thăng Bình có 10 cơ sở sản xuất đăng ký sản phẩm tham gia dự thi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP và 4 sản phẩm đăng ký thi nâng hạng. Bên cạnh cải thiện chất lượng, đầu tư mẫu mã, bao bì..., các chủ thể có sản phẩm dự thi đang tích cực xây dựng nguồn nguyên liệu tại chỗ để chủ động trong sản xuất.

Cơ sở sản xuất dầu tràm Linh Vũ đã chủ động được nguồn nguyên liệu. Ảnh: TÂN SƯƠNG
Cơ sở sản xuất dầu tràm Linh Vũ đã chủ động được nguồn nguyên liệu. Ảnh: TÂN SƯƠNG

Từng là người cung cấp nguyên liệu thô sau đó trở thành nơi chiết xuất cung cấp dầu cho một cơ sở sản xuất dầu tràm ở Thừa Thiên Huế, năm 2015 chị Bùi Thị Nguyệt (ở thôn Tây Giang, xã Bình Sa) đã gầy dựng được cơ sở do mình làm chủ với sản phẩm dầu tràm Linh Vũ.

Trải qua những khó khăn của ngày đầu lập nghiệp khi chưa ổn định về đầu ra cho sản phẩm, bây giờ, mỗi ngày cơ sở của chị nấu 500kg lá cung cấp 2 lít dầu tràm cho các thị trường lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Lào Cai,… Cùng với đó, tạo việc làm cho 8 - 10 lao động với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Để chuẩn bị cho sân chơi OCOP, bên cạnh thay đổi bao bì bắt mắt hơn, đăng ký mã vạch, truy xuất nguồn gốc, nâng cấp hệ thống chiết xuất tinh dầu, chị Nguyệt đầu tư tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ. Bởi, với nguồn lá hái từ thiên nhiên ở các xã vùng trung trên địa bàn huyện như hiện tại thì rất có thể vài năm nữa sẽ bị thiếu hụt nguyên liệu thô. Vì vậy, cách đây 3 tháng, chị Nguyệt trồng thử nghiệm 4 sào cây lá tràm, bước đầu cây sinh trưởng tốt, dự kiến khi mùa mưa đến sẽ mở rộng trồng trên diện tích 5ha.

“Trong tự nhiên có 3 loại lá tràm, ngày xưa chưa biết sàng lọc tinh dầu nên dầu không được thơm. Bây giờ tôi đã nhận biết được và  sàng lọc lá tốt nhất. Dầu nấu từ lá tràm thơm sẽ có mùi đặc biệt hơn, thơm và không tanh. Vì vậy, tôi đã ra Huế mua giống tràm đó về trồng để đạt chất lượng dầu cao nhất” - chị Nguyệt chia sẻ.

Năm 2020, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Nam đăng ký sản phẩm dầu phụng nguyên chất Bình Nam tham gia dự thi OCOP. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, vụ xuân hè này hợp tác xã chủ động liên kết với người dân sản xuất giống đậu sẻ truyền thống của địa phương trên những diện tích đất lúa không chủ động nước, phụ thuộc vào nước trời, với diện tích 200ha.

Theo ông Trần Văn Ninh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Nam, nhờ liên kết sản xuất mà thời gian xuống giống cùng lúc, thu hoạch cùng lúc; cơ giới hóa đồng bộ từ lúc lên luống cho đến khi thu hoạch. Đặc biệt, hợp tác xã phối hợp tổ chức tập huấn cho nông dân về quy trình sản xuất nên hạn chế tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó tạo được vùng nguyên liệu dồi dào và đảm bảo chất lượng.

Năm 2019, huyện Thăng Bình đã phát triển được 1 sản phẩm đạt 4 sao và 7 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2020, địa phương đang hướng dẫn lập hồ sơ dự thi OCOP cho 10 sản phẩm và đăng ký nâng hạng 3 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, 1 sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao. Để hướng đến sân chơi này, bên cạnh sự tự chuyển mình của mỗi cơ sở sản xuất, huyện Thăng Bình đã có nhiều hoạt động đồng hành với các chủ thể.

Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, huyện đã thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ đứng điểm tại địa phương và nắm các sản phẩm tại đó. Nếu xã nào có sản phẩm phù hợp, đạt được yêu cầu theo cơ chế chính sách của tỉnh, huyện thì tranh thủ từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ máy móc, thiết bị, cây giống, khuyến khích mở rộng vùng nguyên liệu.

“Thành viên ban chỉ đạo, tổ công tác đứng điểm có trách nhiệm theo dõi, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các chủ thể. Từ đó, đồng hành và kịp thời tháo gỡ những khó khăn mà các cơ sở này gặp phải để đảm bảo theo các yêu cầu của quy trình khi công nhận sản phẩm OCOP. Chúng tôi đánh giá rất cao sự chủ động của các cơ sở sản xuất trong xây dựng nguồn nguyên liệu tại chỗ. Điều này không chỉ giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu thô mà còn tạo nguồn thu ổn định cho nông dân địa phương cả về giá cả và đầu ra” - ông Hương nói.

THU SƯƠNG - MINH TÂN