Phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị
Năm 2020 này, các ngành, các cấp sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển những sản phẩm OCOP có sự hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế biến đến tiêu thụ nhằm gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị, góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, các ngành, các cấp phải bám sát mục tiêu của chương trình và thực tế tại từng địa phương để xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm trong việc triển khai.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Trưởng phòng Phát triển nông thôn (thuộc Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam) cho hay, theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2020 phải củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức OCOP cấp huyện, cấp xã và hoàn thiện bộ máy tham mưu giúp việc Chương trình OCOP các cấp; tất cả cán bộ OCOP cấp huyện, cấp xã và các chủ thể mới đăng ký tham gia năm 2020 phải được tập huấn những nội dung cơ bản của chương trình, nhất là các bước trong chu trình OCOP.
Năm 2020 tỉnh cũng sẽ tập trung hỗ trợ củng cố, nâng cấp và thành lập mới 10 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã) tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời đầu tư xây dựng, nâng cấp các điểm, trung tâm bán hàng OCOP cấp huyện để đảm bảo đến cuối năm nay cả 18 huyện, thị xã, thành phố đều có ít nhất 1 điểm bán hàng OCOP (ngoài sản phẩm OCOP của địa phương, kết nối sản phẩm OCOP của các nơi khác trong tỉnh, kể cả sản phẩm OCOP ngoài tỉnh). Các sản phẩm sau 1 năm được công nhận OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh trở lên phải phấn đấu tăng doanh thu và lợi nhuận ít nhất 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, về phát triển sản phẩm, năm 2020 toàn tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển, nâng cấp 141 sản phẩm mới và sản phẩm đã có. Phấn đấu trong năm nay có ít nhất 80% số sản phẩm vừa nêu đạt hạng OCOP 3 sao trở lên và có ít nhất 3 sản phẩm gửi về Trung ương tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao. Năm nay tỉnh ưu tiên phát triển những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất. Đồng thời ưu tiên những sản phẩm sử dụng lao động địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO... để sản phẩm OCOP tham gia xuất khẩu chính ngạch vào thị trường quốc tế.
“Ngành liên quan và chính quyền các cấp cũng tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi, nghĩa là hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác đúng quy định; xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc để dễ tiếp cận và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng; các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đều phải có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã số, mã vạch, nhãn hiệu hàng hóa...” - ông Hùng nói.