Cơ hội nào cho thương mại điện tử Quảng Nam?

VIỆT NGUYỄN (thực hiện) 16/05/2020 06:28

Hội nhập đã khiến Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng không thể đứng ngoài khuynh hướng phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Đây là xu hướng kinh doanh, tiêu dùng tất yếu gắn liền với sự phát triển của công nghệ, sự tiếp nhận dịch vụ từ doanh nghiệp (DN) đến người tiêu dùng. Quảng Nam cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Lê Chí Mạnh - Trưởng phòng Phát triển thị trường (Trung tâm Phát triển thương mại điện tử - Bộ Công Thương) về vấn đề này.

* TMĐT đang chuyển động mạnh, sự vận động đó được biểu hiện thế nào, thưa ông?

Ông Lê Chí Mạnh.
Ông Lê Chí Mạnh.

Ông Lê Chí Mạnh: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet, các thiết bị di động, đặc biệt là điện thoại thông minh (smartphone) đã trở nên phổ biến với mọi người dân Việt Nam. Việc hàng loạt nền tảng TMĐT như Lazada, Tiki, Shopee... xuất hiện, mua sắm trực tuyến trở nên dễ dàng với người tiêu dùng. Thị trường TMĐT trở nên sôi động hơn khi người tiêu dùng trẻ tham gia việc mua bán trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Trong số 10 nền tảng TMĐT Đông Nam Á thành công, có thể kể đến các thương hiệu TMĐT ở Việt Nam như Lazada, Shopee, Tiki, Thegioididong, Sendo. Thành công của các nền tảng này chính là bằng chứng cụ thể về tiềm năng to lớn của TMĐT Việt Nam.

Qua khảo sát của chúng tôi, DN đánh giá bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả ngày càng cao. Nhiều DN lớn đã tích cực sử dụng mạng xã hội để tiếp thị và chăm sóc khách hàng. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành TMĐT ở Việt Nam, khi các hoạt động kinh doanh, giao dịch trực tuyến bằng công nghệ hiện đại đang dần thay thế các hình thức mua bán truyền thống. Thực tế, tiềm năng về TMĐT ở Việt Nam là rất lớn nhưng nhiều DN nhỏ và vừa còn chưa tiếp cận hay chưa tận dụng tối đa ưu thế của TMĐT. Số liệu cho thấy các DN bán hàng trên sàn TMĐT đều có website, nhưng chỉ khoảng 61% trong số đó có ứng dụng cho di động. Đây là một sự lãng phí trong thời đại công nghệ số.

* TMĐT không thể tách rời kinh tế số. Nhận diện của ông về vấn đề này?

Ông Lê Chí Mạnh: DN Việt Nam nói chung hiện nay còn tâm lý e dè, chưa thực sự mặn mà với kinh tế số bởi nhiều nguyên nhân. Việc đầu tư hạ tầng cho ứng dụng công nghệ thông tin và kinh tế số chưa thực sự đồng bộ và đôi khi là những rào cản khiến cho những doanh nghiệp ứng dụng kinh tế số chậm kết nối được với nền kinh tế nói chung. Lối mòn quản trị thủ công, thậm chí có DN không muốn công khai minh bạch hoạt động của mình là hướng đi trái ngược với xu thế phát triển hiện tại.

Khi chuyển sang quản trị về kinh tế số đòi hỏi phải thay đổi căn bản tư duy về quản trị, phải công khai, minh bạch theo một hệ thống. Những DN muốn đầu tư phát triển một cách hệ thống, bài bản và muốn đi lên không phải dựa vào những kẽ hở của luật pháp và chính sách cần mạnh dạn ứng dụng kinh tế số. Năng suất thấp là yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và tính bền vững. Thúc đẩy tăng trưởng năng suất hiện đang là mục tiêu quan trọng được Việt Nam chú trọng. Sự phát triển của kinh tế số mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức tăng năng suất lao động trong tổng thể nền kinh tế.

* Thưa ông, các chuyên gia đánh giá kinh tế Quảng Nam đang chuyển động khá mạnh. Liệu TMĐT có trở thành chất xúc tác phát triển?

Ông Lê Chí Mạnh: Với những tính năng ưu việt của mình, TMĐT sẽ là cú hích lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam nếu các DN chú trọng đầu tư, nghiên cứu, tận dụng phù hợp. Thông qua Sở Công Thương, chúng tôi đang hỗ trợ Quảng Nam triển khai 5 đề án quan trọng để tạo động lực phát triển TMĐT. Đó là xây dựng giải pháp quản lý sản xuất cho DN. Hỗ trợ DN xây dựng bộ phận nhận diện thương hiệu trực tuyến và giải pháp bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT của Việt Nam và thế giới. Tiếp theo, xây dựng các website bán hàng cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT). Hỗ trợ việc ứng dụng giải pháp quản lý sản xuất cho các cơ sở CNNT. Cuối cùng là hỗ trợ ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho các cơ sở này.

Bánh chưng bà Ba Hội đang được ngành công thương xúc tiến, đưa lên sàn giao dịch TMĐT quốc gia. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Bánh chưng bà Ba Hội đang được ngành công thương xúc tiến, đưa lên sàn giao dịch TMĐT quốc gia. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Kỳ vọng, các giải pháp về TMĐT nói trên sẽ giúp các DN, cơ sở CNNT Quảng Nam triển khai dịch vụ bán hàng tốt hơn cho khách hàng, tăng doanh thu, giảm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Trong thời đại ngày nay, cuộc sống số hóa đã đẩy nhịp sống tăng cao, khách hàng ngày càng đòi hỏi mọi thứ phải nhanh hơn, từ thông tin sản phẩm, việc mua hàng, thanh toán và các chính sách hậu bán hàng.

* Ông dự lường các khó khăn khi Quảng Nam triển khai 5 đề án nói trên?

Ông Lê Chí Mạnh: Sân chơi TMĐT theo dự đoán trong một vài năm tới sẽ nghiêng về các tập đoàn có thế mạnh ở khu vực và thế giới. Phần còn lại là dành cho các trang TMĐT tập trung khai thác những thị trường nhỏ. Đầu tư cho TMĐT cần một số vốn lớn, do vậy đối với các DN Quảng Nam, đa số vừa và nhỏ, là một điều không dễ. Do hội nhập sâu rộng, người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, ưa chuộng việc mua hàng của nước ngoài qua các website lớn như Alibaba, Lazada, Ebay với lý do hàng hóa của các nước phong phú, đa dạng và chất lượng cao hơn so với hàng Việt ở chủng loại tương tự.

Môi trường cạnh tranh khắc nghiệt trong TMĐT chắc chắn không dành chỗ cho những DN có năng lực tổ chức yếu kém, công nghệ quản trị ở mức thấp. DN Quảng Nam cần phải giải bài toán đầu tư lớn hơn cho hoạt động nghiên cứu thị trường, nghiên cứu và chăm sóc khách hàng. Cơ sở hạ tầng, công nghệ chưa đáp ứng được so với yêu cầu cũng là rào cản khiến cho DN Quảng Nam khó khăn trong thích ứng. Qua những trở ngại trên, cần phải có một số giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển của TMĐT ở Quảng Nam trong thời gian đến.

* Vậy đâu là hướng phát triển, thưa ông?

Ông Lê Chí Mạnh: Để tăng sức cạnh tranh, các DN, cơ sở CNNT Quảng Nam trước hết cần chú trọng chất lượng của hàng hóa, dịch vụ. Quảng Nam cần đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT, tăng khả năng thiết kế các phần mềm điện tử, đóng góp cho sự phát triển của một nền kinh tế số. DN, cơ sở CNNT cần nâng cao năng suất lao động trong TMĐT để có thêm cơ hội cạnh tranh trong môi trường mạng, đủ sức theo kịp trình độ phát triển TMĐT của các nước trong khu vực và quốc tế. Các cơ quan chức năng của tỉnh cần giám định để bảo mật cho các sàn TMĐT cũng như những giao dịch mua bán được thuận tiện.

TMĐT ở Quảng Nam mới chủ yếu thực hiện bằng việc nhận hàng qua các shipper đồng thời với giao tiền để thanh toán. Điều này nói lên vấn đề là người tiêu dùng Quảng Nam chưa quen nhiều với hình thức thanh toán trực tuyến, mua hàng qua tài khoản các ngân hàng. Bởi vậy, hệ thống ngân hàng trên địa bàn cần triển khai mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt và tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý liên quan đến TMĐT, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công bằng hóa đơn điện tử để giao dịch công khai, minh bạch.

* Mặt trái của TMĐT là rất khó nhận biết được hàng hóa thật - giả trên mạng. Ông chia sẻ gì về điều này?

Ông Lê Chí Mạnh: Có trường hợp thông tin lên mạng là hình ảnh thật nhưng khi khách hàng đặt mua thì nhận được hàng giả, hàng nhái. Hiện nay, hầu hết hành vi vi phạm do chủ thể bán hàng không thực hiện đúng trách nhiệm của người bán trên sàn TMĐT. Chủ thể bán hàng là các cơ sở nhỏ lẻ hoặc cá nhân, sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau gây khó khăn cho công tác điều tra, kiểm tra, bắt giữ và xử lý vi phạm. Hơn 90% các giao dịch trên mạng hiện nay không có hóa đơn chứng từ, chính vì vậy, công tác phát hiện, quản lý và xử lý đối với hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ càng trở nên khó khăn. Vì thế, lực lượng quản lý thị trường Quảng Nam cần phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, vào cuộc mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm, bảo vệ người tiêu dùng.

* Xin cảm ơn ông!

VIỆT NGUYỄN (thực hiện)