Hàng Việt cần thay đổi để hội nhập

VIỆT NGUYỄN 12/04/2020 08:05

Đổi thay, chú trọng xây dựng thương hiệu là cách để hàng Việt khẳng định vị thế, đứng vững trong xu thế hội nhập, cạnh tranh.

Đưa hàng Việt chất lượng đến người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Đưa hàng Việt chất lượng đến người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Năng lực yếu

Hơn 10 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo chuyển biến ý thức người tiêu dùng và doanh nghiệp, tạo nên diện mạo mới, sinh động cho hàng hóa nội địa. Nhiều ngành sản xuất như da giày, dệt may không chỉ tăng tỷ lệ nội địa hóa mà còn xuất khẩu ra nhiều nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù doanh nghiệp đã có nhiều tiến bộ trong cải tiến sản phẩm, nhưng 90% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thiếu năng lực và kinh nghiệm là rào cản lớn. Thực trạng này cần phải được thay đổi, bởi bối cảnh cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu ngày càng khốc liệt hơn. Sản phẩm của các công ty đa quốc gia có mặt trên thị trường Việt Nam gây sức ép lớn lên hàng Việt. 

Theo Sở Công Thương, các doanh nghiệp nhỏ cần phối hợp với các doanh nghiệp lớn để tạo nên hệ sinh thái, đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối chung. Doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, thậm chí hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân để có thể cùng nhau đưa hàng hóa đến những điểm phân phối không chỉ ở thành phố, nông thôn mà cả biên giới, hải đảo. Doanh nghiệp kết nối với nhau, cùng nhau đi xa, cùng nhau đưa hàng Việt đến người tiêu dùng là hết sức quan trọng.

Quảng Nam có rất ít sản phẩm xây dựng được thương hiệu quốc gia, ngoài ô tô Trường Hải, chỉ có sâm Ngọc Linh đang trong giai đoạn hoàn thiện các quy trình thủ tục để được công nhận. Xây dựng thương hiệu đã khó, trong xu thế hội nhập, giữ vững được thương hiệu càng khó hơn.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, sẵn sàng đón nhận mọi chủng loại hàng hóa, sản phẩm của các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh đến bán, miễn là chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn chung theo quy định. Tuy vậy, thực tế cho thấy, rất nhiều sản phẩm của Quảng Nam chưa hấp dẫn được người tiêu dùng do chưa chú trọng xây dựng hình ảnh, nhất là vị thế và thương hiệu.

“Các sản phẩm của Quảng Nam dù có chất lượng, rất đặc trưng nhưng còn yếu cạnh tranh vì hình ảnh, bao bì chưa bắt mắt. Công tác sơ chế, bảo quản nguyên liệu, sản phẩm còn chưa đáp ứng được yêu cầu an toàn thực phẩm” - bà Trần Thị Như Lai nói.

Ngoài điểm yếu về mẫu mã, bao bì sản phẩm, hàng hóa Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung còn yếu thế so với hàng ngoại nhập về dịch vụ hậu mãi. Trong khi đó, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả đã gây mất uy tín hàng hóa, thương hiệu Việt.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh cần ứng dụng công nghệ tiên tiến để tạo sức hút cho sản phẩm, thu hút người tiêu dùng từ ánh nhìn đầu tiên. Ngành công thương quảng bá hàng hóa xứ Quảng đồng loạt trên các kênh truyền thông có lượng theo dõi cao, đẩy mạnh tôn vinh, quảng bá hàng hóa, sản phẩm chất lượng.

Thích ứng với hội nhập

Toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế đang trở thành xu hướng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia đang quay lại tập trung, củng cố, phát triển thị trường trong nước. Phát huy nội lực để xây dựng nền kinh tế tự chủ trong hội nhập đang là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với Việt Nam. Để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, hiệp hội ngành hàng, ngành nghề nhằm hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, đặc biệt đẩy mạnh kết nối cung cầu, quảng bá hàng Việt.

Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp cần cập nhật thông tin, nâng cấp dịch vụ, chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Bộ Công Thương cần có chính sách ưu tiên lưu thông hàng hóa sản xuất trong nước, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, giúp họ tiếp cận trình độ khoa học, kỹ thuật tiên tiến, sáng tạo, sản xuất được hàng hóa đạt tiêu chuẩn trong nước, quốc tế, hướng đến xuất khẩu.

“Không có giải pháp nào có thể phù hợp với mọi doanh nghiệp và mọi loại hình kinh doanh. Con đường riêng, tận dụng lợi thế, ra sức sáng tạo là cách để doanh nghiệp chinh phục người tiêu dùng, chiếm ưu thế cạnh tranh so với hàng hóa nhập khẩu” - ông Đinh Văn Phúc nói.

Năm nay, Bộ Công Thương triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để hỗ trợ doanh nghiệp tôn vinh, quảng bá sản phẩm, hàng hóa, thương hiệu Việt uy tín. Các chương trình “Tự hào hàng Việt” cũng sẽ được thực hiện ở Quảng Nam. Theo đó, sẽ những điểm bán hàng Việt không chỉ ở thành phố mà ở cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng. Sở Công Thương cho biết, sẽ tổ chức tập huấn kỹ năng phân phối hàng Việt cho các doanh nghiệp theo phương thức truyền thống và hiện đại.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Sở Công Thương ra mắt chương trình thương mại điện tử đưa hàng hóa từ 20 nghìn điểm bán hàng bình ổn đến người tiêu dùng cả nước. Ngoài ra, dự kiến Chính phủ sẽ phê duyệt chiến lược phát triển thương mại trong nước đến 2025, tầm nhìn 2035, tạo chuỗi liên kết hàng Việt tại thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu. Với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như vậy, doanh nghiệp Quảng Nam cần tận dụng, khơi thông thế mạnh, đổi mới quản lý, tổ chức sản xuất hiệu quả hơn để đón đầu và đi đầu trong làn sóng cạnh tranh mạnh thời hội nhập.

VIỆT NGUYỄN