Truy xuất nguồn gốc cho nông sản xứ Quảng
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, nông sản Quảng Nam ngày càng phải cạnh tranh khốc liệt hơn trên thị trường. Bởi vậy, cần truy xuất nguồn gốc để nông sản xứ Quảng tạo được niềm tin trong người tiêu dùng.
Manh nha hình thành
Được sự hỗ trợ đắc lực của Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT), chuỗi nước mắm đang manh nha hình thành tại Quảng Nam. Ở làng nghề chế biến nước mắm Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), các cơ sở đã liên kết với các ngư dân Tam Thanh, Tam Tiến (Núi Thành) để đặt mua cá nục, cá cơm về chế biến nước mắm.
Theo thỏa thuận, ngư dân khi đánh bắt hải sản trên biển đã ghi đầy đủ các thông tin về ngày sản xuất, ngư trường đánh bắt, giúp cơ sở bước đầu truy xuất nguồn gốc nước mắm sau chế biến. Quá trình trên cũng được thực hiện tương tự ở làng nghề chế biến nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình).
Nước mắm thành phẩm trước khi tung ra thị trường được các cơ sở dán tem nhãn, có bao bì, mẫu mã khá bắt mắt, bước đầu tạo được sự tin tưởng về chất lượng nước mắm trong người tiêu dùng.
Bà Trần Thị Ngọc Lan - chủ cơ sở chế biến nước mắm Ngọc Lan (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) cho rằng, truy xuất nguồn gốc nước mắm không chỉ xác lập uy tín, vị thế cho cơ sở mà còn khẳng định chất lượng sản phẩm, tách biệt rạch ròi với nước mắm giả mạo, bảo vệ người tiêu dùng.
Nông sản Quảng Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc mà số sản phẩm lại quá ít ỏi, chỉ có mực xà và dưa hấu. Nhiều khi các lô hàng nông sản Quảng Nam bị ngừng trệ ở cửa khẩu vì “quên” truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài. Khi đó, sản phẩm bị hư hỏng vì đầu tư cho bảo quản sản phẩm kém. Không chỉ vậy, hầu như năm nào, dưa hấu Quảng Nam cũng cần “giải cứu” vì bế tắc đầu ra.
Ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản cho biết, truy xuất nguồn gốc nước mắm mới chỉ manh nha hình thành chứ chưa hoàn thiện. Nghĩa là đã có thông tin trên nhãn sản phẩm nhưng người tiêu dùng chưa thể quét mã QR code trên thiết bị điện thoại di động thông minh để nắm đầy đủ thông tin sản phẩm. Vì thế, nước mắm nói riêng, nông sản nói chung trong thời gian đến sẽ từng bước dùng các loại tem áp dụng công nghệ mã số, mã vạch cho phép người dùng sử dụng ứng dụng quét barcode, QR code trên smartphone để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, truy xuất chi tiết các thông tin liên quan mà nhà sản xuất niêm yết. Theo đó, tem nông sản có các chi tiết về sản phẩm mà bao bì không thể hiện đủ như nơi sản xuất, đóng gói, dư lượng thuốc trừ sâu, sản xuất theo quy trình, công nghệ nào, kể cả thời gian trồng, thu hoạch…
“Việc đầu tư vào tem truy xuất nguồn gốc và xây dựng hệ thống dữ liệu có liên quan giúp nâng cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất đối với mỗi sản phẩm bán ra thị trường, tăng tính chủ động trong việc quảng bá hình ảnh, nâng cấp mẫu mã và giá trị của sản phẩm” - ông Trần Bốn nói.
Chặng đường còn dài
Nông sản Quảng Nam hiện phải đối mặt với nhiều thách thức, hoạt động sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống nên chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, thiếu nhãn mác để nhận diện sản phẩm.
Ngoài ra, các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh có sức cạnh tranh kém, chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không nhiều. Chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp và an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát triệt để, giá cả bấp bênh, sản xuất kém hiệu quả, thiếu ổn định bền vững.
Theo Sở NN&PTNT, việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn gặp nhiều khó khăn do người sản xuất chưa bảo đảm các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận và chất lượng nên khó đáp ứng nhu cầu thu mua của các nhà phân phối. Việc kết nối các khâu của chuỗi, giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh còn lỏng lẻo, chưa ký kết được những hợp đồng ổn định lâu dài hay có kế hoạch và chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp.
Ở hệ thống siêu thị trong, ngoài tỉnh, bấy lâu nay, quanh đi quẩn lại, cũng vẫn vài ba hàng nông sản Quảng Nam có mặt là trứng gà Văn Học, thịt gà Mười Tín, dầu phụng đất Quảng, dầu nguyên chất Bảo Tâm, nước mắm Ngọc Lan, Cửa Khe... Hơn thế nữa, các quy trình sản xuất hiện đại, quy phạm thực hành sản xuất hay kiểm nghiệm an toàn thực phẩm còn xa lạ với các chủ thể chế biến nông sản nhỏ lẻ, manh mún. Muốn bỏ điều này không dễ vì tập quán sản xuất theo kiểu tiểu nông không dễ thay thế trong ngày một ngày hai.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trong xu thế hội nhập, nông sản Quảng Nam cần “lột xác”, tham gia chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc để tăng giá trị của nông sản. Muốn vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi sản xuất của các hợp tác xã, tổ hợp tác, người sản xuất gắn với nhu cầu của thị trường. Sản phẩm nông sản phải an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn tiên tiến để ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững. Với chức năng quản lý nhà nước, Sở NN&PTNT sẽ hỗ trợ nông dân kiến thức về sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic…
“Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các cơ sở, cá nhân cần đầu tư vào công nghệ, từ khâu sản xuất đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo toàn bộ quy trình được kiểm soát đúng chuẩn” - ông Ngô Tấn nói.