Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm: Kết quả nhiều, hạn chế cũng lắm
Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP và đã mang lại những thành quả đáng ghi nhận; tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ không ít hạn chế.
Nhiều kết quả
Năm 2018, Quảng Nam có 25 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 5 sản phẩm 4 sao và 20 sản phẩm 3 sao. Từ kết quả bước đầu đó, năm 2019 tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố đều triển khai chu trình OCOP (năm 2018 chỉ có 17 địa phương thực hiện) với 107 sản phẩm đăng ký tham gia. Trong đó, có 44 sản phẩm của 44 doanh nghiệp và hợp tác xã, còn lại là của các tổ hợp tác và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.
Để Chương trình OCOP mang lại thắng lợi, năm 2019 ngành chức năng của tỉnh cùng chính quyền các địa phương phối hợp triển khai rất nhiều phần việc. Theo đó, bên cạnh việc nhanh chóng kiện toàn ban chỉ đạo, cơ quan giúp việc của cấp tỉnh và cấp huyện, UBND tỉnh cũng yêu cầu những đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền rộng rãi Chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong năm qua, Chi cục Phát triển nông thôn cử báo cáo viên tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ OCOP, chủ thể sản xuất ở các đơn vị, địa phương như Phước Sơn, Nông Sơn, Điện Bàn, Duy Xuyên, Sở TT-TT, Tỉnh đoàn; đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn về chương trình.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, năm 2019 các đơn vị liên quan còn tổ chức 2 hội nghị kết nối các tổ chức, cơ sở kinh tế tham gia OCOP với đối tác tiềm năng trong và ngoài tỉnh. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã yêu cầu các tổ công tác liên ngành đi cơ sở 2 đợt để hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các địa phương và các chủ thể nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm cũng như hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Ông Nguyễn Phi Hồng - chuyên viên Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, đầu năm 2019 cả tỉnh có tổng cộng 107 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Tuy nhiên, đến gần cuối năm, UBND cấp huyện chỉ gửi về tỉnh 95 sản phẩm để đánh giá, xếp hạng OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 68 sản phẩm được cấp mã số, mã vạch và 51 sản phẩm đăng ký chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.
“Đối với 95 sản phẩm do cấp huyện gửi về, sau nhiều vòng chấm chọn, Hội đồng thẩm định của tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xếp hạng và công nhận 13 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 73 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 1 sản phẩm đạt 2 sao. Còn lại 4 sản phẩm không đánh giá, xếp hạng vì hồ sơ không đảm bảo theo yêu cầu và 4 sản phẩm không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm” - ông Hồng nói.
Và những hạn chế
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thời gian qua vẫn còn một số địa phương chưa thật sự tập trung chỉ đạo triển khai Chương trình OCOP. Đội ngũ cán bộ phụ trách, tham mưu chương trình tại cấp huyện chủ yếu là kiêm nhiệm, phụ trách nhiều công việc nên chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu, tham mưu. Việc triển khai chương trình này ở không ít địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Trưởng phòng Phát triển nông thôn (trực thuộc Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam) cho biết, số lượng chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2019 chiếm tỷ lệ tương đối cao (36/86 đơn vị, chiếm 41,86%). Đây là chủ thể mà Chương trình OCOP không khuyến khích nhiều vì năng lực sản xuất còn nhỏ lẻ, năng lực quản trị hạn chế, khó thích ứng với cơ chế thị trường. Việc rà soát, đăng ký sản phẩm ở vài địa phương chưa được thực hiện kỹ, dẫn đến trường hợp sau khi đăng ký sản phẩm tham gia và được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chủ thể không tiếp tục triển khai thực hiện theo chu trình, không tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm (12 sản phẩm).
Trong năm 2019, nhóm sản phẩm tươi sống, thô, sơ chế tham gia chương trình vẫn còn nhiều (17/95 sản phẩm, chiếm 17,89%). Đây là nhóm sản phẩm mà Chương trình OCOP không khuyến khích nhiều vì được chế biến sâu, giá trị gia tăng thấp.
Rất nhiều chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP cùng một loại sản phẩm như dầu phụng, dầu mè, nước mắm, gạo nếp với chất lượng, bao bì mẫu mã tương tự nhau, làm cho sản phẩm OCOP trở nên đơn điệu.
“Thực tế cho thấy, nhu cầu cần được tư vấn trong việc nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của chủ thể rất lớn. Tuy nhiên, số đơn vị tư vấn trên địa bàn tỉnh không nhiều, trong khi việc kết nối với các đối tác ngoài tỉnh để hỗ trợ các chủ thể còn gặp nhiều hạn chế” - ông Hùng nói thêm.
Còn ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP ở ngoài tỉnh chưa nhiều; mẫu mã bao bì của một số sản phẩm chưa thật ấn tượng; nội dung câu chuyện sản phẩm chưa đặc sắc, chưa được tư liệu hóa trên nhãn mác, tờ rơi, website; nhiều sản phẩm chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, logo; việc phân lô sản xuất để theo dõi, quản lý chất lượng sản phẩm chưa được chú trọng. Đặc biệt, qua đánh giá tại cấp tỉnh, năm 2019 có 73 sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao. Tuy nhiên, có hơn 80% sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao chỉ đạt từ 50 điểm đến dưới 60 điểm. Do vậy, các sản phẩm này cần phải tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện để đạt thứ hạng cao hơn...