“Phải lòng” với lan rừng

THẢO NGUYÊN 23/03/2020 13:33

Anh Huỳnh Đức Tài ở thôn 3 (xã Tiên Mỹ, Tiên Phước) nói vui mình “phải lòng” với lan rừng bởi niềm đam mê “cô gái đẹp” này. Từ niềm đam mê, vườn lan của anh ấn tượng bởi nhiều chủng loại đặc sác.

Trên hành trình đến với lan rừng, anh Huỳnh Đức Tài cũng gặp nhiều khó khăn để có được thành công như ngày hôm nay. Anh kể, cách đây gần 5 năm, sau khi xuất ngũ về lại quê hương, anh cũng loay hoay với nhiều dự tính mình sẽ làm gì. Trong một chuyến đi Gia Lai thăm bạn, giữa vùng cao nguyên lộng gió, anh thấy nhiều thanh niên chở những giò phong lan rừng đi bán. Vốn thích loài hoa dân dã này nên anh mua một ít đem về chăm sóc. Dần dà anh thấy các loại lan rừng này phù hợp với khí hậu của vùng đất Tiên Phước, nhiều giò cho hoa đẹp nên nảy ra ý định sẽ phát triển mô hình trồng lan rừng theo hướng chuyên nghiệp để phát triển kinh tế.

Bằng ý tưởng táo bạo và niềm đam mê, anh Tài vừa làm vừa rút kinh nghiệm, rồi học hỏi thêm áp dụng vào công việc mới mẻ này một cách kiên nhẫn. Anh nói: “Lan không phụ lòng tôi, sau thời gian tôi thấy lan phát triển tốt và cho ra hoa rất đẹp…”.

Từ đó, niềm vui trong công việc tiếp sức thêm cho anh. Anh chia sẻ: “Tôi không ngờ thành quả của tôi được bạn bè khen ngợi và cộng đồng mạng quan tâm chia sẻ động viên. Từ những nhánh lan rừng phát triển sinh trưởng tốt, tôi tiếp tục nhân giống mở rộng vườn và chọn nhiều giống lan khác nhau nên vườn lan khá phong phú về chủng loại”. Hiện nay khu vườn của anh rộng hơn 1.000m2. Ngoài lan phi điệp, anh trồng thêm giống lan khiêu vũ, nghinh xuân, hạc vỹ, lan trầm…

“Tôi đã phải lòng loài hoa này”, đó là cách nói vui của anh: “Lan rừng như một cô gái đẹp nhưng khó tính, là loài cây dễ nhiễm bệnh nếu không được chăm sóc kỹ lưỡng. Đặc biệt trong việc nhân giống, bón phân, tưới nước… phải hết sức thận trọng, đúng quy trình kỹ thuật” - anh nói.

Do vậy, hằng ngày anh Tài luôn cập nhật những kiến thức khoa học mới, đi thực tế các vườn lan khác để  học hỏi kinh nghiệm và áp dụng vào thực tế tại vườn lan của mình. Sau hơn 4 năm kiên trì và có nhiều sáng tạo, đến nay khu vườn lan của anh có hơn 20 chủng loại lan rừng. Tại vườn lan của anh, hằng ngày có 10 lao động tại điạ phương làm việc với thu nhập trung bình 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. “Chính chất lượng các loại lan có giá trị từ màu sắc đẹp và lạ, hình dáng cấu trúc hoa chặt chẽ, hương thơm nồng nàn, dáng giò đẹp… đã thu hút nhiều khách hàng” - anh Tài chia sẻ.

Hơn nữa, những lần tham gia giao lưu, trưng bày, triển lãm trong huyện, trong tỉnh vườn lan của anh được sự chú ý của nhiều người, họ tìm đến cơ sở của anh để tham quan, học tập kinh nghiệm và để chọn mua lan theo sở thích. “Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng vườn lan rừng theo hướng kết hợp làm quán café, tạo điểm nhấn check in phục vụ tham quan du lịch trải nghiệm nghề trồng lan” - anh nói thêm.

THẢO NGUYÊN