Ngăn chặn hàng ngoại giả mạo hàng Việt
Bảo vệ hàng Việt chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng, ngành chức năng cần tập trung phát hiện, xử lý hàng ngoại đội lốt hàng Việt, tạo động lực phát triển cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Từ tráo trái cây
Xoài và táo là 2 loại trái cây Trung Quốc giả mạo hàng Việt nhiều nhất ở các chợ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Trên đường Bạch Đằng, sát ngay chợ Tam Kỳ, chúng tôi được anh Thanh - chủ một xe bán trái cây dạo cho biết: “Tôi không biết chắc trái cây này xuất xứ từ đâu, nghe tiểu thương bán hàng cho mình bảo là Trung Quốc. Mình bán dạo, đắp đổi qua ngày, thấy xoài, táo còn tươi nên nghĩ người dùng sẽ không bị ngộ độc thực phẩm hay nguy hại sức khỏe”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trái cây Trung Quốc hay được người bán “khoác áo” là đặc sản Đà Lạt. Với thương hiệu đó, trái cây dễ tiêu thụ và là mặt hàng đem lại lợi nhuận cao.
Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết đang tập trung lực lượng trinh sát, phát hiện, kiên quyết xử lý hành vi gian lận thương mại, giả mạo nguồn gốc xuất xứ, buôn bán hàng lậu... Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn của người dân, đặc biệt là kiểm tra xử lý hàng hóa vi phạm giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ Việt Nam để thu lợi bất chính.
Là tư thương bán sỉ trái cây ở khắp các địa bàn Tam Kỳ, Phú Ninh, chị Oanh (phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ) cho biết, xoài, táo Trung Quốc được mua về với giá dưới 50 nghìn đồng/kg và bán ra với giá 70 nghìn đồng/kg. Theo các ban quản lý chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, họ không có chức năng, nghiệp vụ truy xuất nguồn gốc trái cây của tiểu thương buôn bán. Có chăng chỉ là vận động, tuyên truyền tiểu thương buôn bán trái cây chất lượng, đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
Chị Lê Thị Thắng - người dân thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) khi được hỏi có phân biệt được đâu là trái cây Trung Quốc, đâu là trái cây Việt Nam không thì lắc đầu. “Nhìn vẻ ngoài các loại trái cây ngoại nhập hay Việt Nam đều như nhau, rất tươi, bắt mắt, kích thích tiêu dùng. Mà không chừng, trái cây Trung Quốc dùng hóa chất bảo quản, ăn vào bị bệnh thì rất nguy” - chị Thắng nói.
Việc đánh tráo trái cây Trung Quốc sang hàng Việt khó bị phát hiện, xử lý, là do lỗ hổng trong quy định ghi nhãn loại hàng hóa này tại Việt Nam. Thương nhân có thể bán hàng mà không cần nhãn mác, không cần khai báo xuất xứ và cũng không phải truy xuất nguồn gốc. Thực tế cho thấy, sau khi hoàn tất thủ tục nhập khẩu, đưa trái cây hay hàng nông sản nói chung vào chợ, người bán và các khâu trung gian có thể tháo bỏ bao bì, nhãn hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc và bảo với người mua đó là hàng Việt chất lượng.
Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho rằng, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình trước “làn sóng” trái cây có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng đột lốt hàng Việt bằng cách mua ở các siêu thị hay chợ có uy tín.
Đến hàng giả xuất xứ
Nhiều chuyên gia nhận định, hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào nội địa rồi đội lốt hàng Việt là rủi ro lớn trong bối cảnh thương mại thế giới đang gặp nhiều khó khăn và căng thẳng leo thang. Từ lúc xung đột thương mại Mỹ - Trung xảy ra đến nay, hàng hóa chuyển tải bất hợp pháp từ Trung Quốc sang Việt Nam rất nhiều. Giữa nước ta và Trung Quốc, hoạt động tiểu ngạch qua biên giới rất phổ biến nên khả năng sản phẩm chưa hoàn chỉnh, hoặc thậm chí hoàn chỉnh nhập vào Việt Nam rồi từ đó sử dụng nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam để xuất đi các nước là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cảnh báo, thời gian qua, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Theo đó, có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in VietNam” để đánh lừa người tiêu dùng, tăng lợi nhuận khá phổ biến.
Tại hội nghị về phòng vệ thương mại được Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam tổ chức tại TP.Tam Kỳ, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều hàng hóa nước ngoài mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi bất hợp pháp từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa nước ta để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu. Vì chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt đâu là hàng “Made in VietNam”.
Ông Chu Thắng Trung cho rằng, Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn “Made in VietNam” nhằm tạo hành lang pháp lý phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.
Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp của Việt Nam tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường. “Chống gian lận xuất xứ hàng hóa vì mục đích tránh để các ngành sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy, ảnh hưởng xấu bởi các biện pháp chống lẩn tránh tại một số thị trường nhập khẩu” - ông Chu Thắng Trung nói.