Trà rừng Cù Lao Chàm

MỸ LINH 14/03/2020 09:02

Năm 2019, Hann Group (phường Thanh Hà, TP.Hội An) nghiên cứu, phát triển sản phẩm Trà rừng Cù Lao Chàm tham gia Chương trình OCOP của tỉnh và được xếp hạng 4 sao.

Khách du lịch rất ưa thích sản phẩm Trà rừng Cù Lao Chàm. Ảnh: M.L
Khách du lịch rất ưa thích sản phẩm Trà rừng Cù Lao Chàm. Ảnh: M.L

Cây lá thuốc Cù Lao Chàm, hay còn gọi là trà rừng, từ lâu đã được người dân trên đảo sử dụng làm nước uống hằng ngày, có giá trị như những vị thuốc nam giúp giải nhiệt và cũng được xem là một đặc sản của Cù Lao Chàm. Người dân thường hái lá, phơi khô và gói bán cho khách du lịch đến tham quan tại đảo.

Tuy nhiên, cách thức của bà con hoàn toàn thủ công và thị trường chỉ dành cho khách du lịch đến với đảo. Nhận thấy tiềm năng của sản phẩm này, Hann Group đã xây dựng và phát triển thương hiệu Trà rừng Cù Lao Chàm, hướng đến sức khỏe người tiêu dùng và văn hóa uống trà.

Theo chị Bùi Hằng - chuyên viên marketing của Hann Group, so với trà xanh và các loại trà truyền thống, trà rừng Cù Lao Chàm được kết hợp từ 16 loại lá rừng (bồ đề núi, bù gia, bướm bạc, cam thảo dây, chạc chìu, chỏng bỏng, dủ dẻ, mua, hà thủ ô, đỏ ngọn, ổi tàu, riềng núi, sâm núi, từ bi, gối, vằng đắng) nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Ưu điểm đặc trưng của sản phẩm là vị thơm tự nhiên của cây dược liệu, đồng thời quá trình sản xuất chế biến không sử dụng bất kỳ một chất phụ gia, bảo quản nào, nên rất được khách hàng ưa chuộng.

Quy trình sản xuất được thực hiện bán tự động, với sự hỗ trợ của máy móc và gần 20 nhân công làm việc thường xuyên tại nhà máy. Sau khi thu mua nguyên liệu tươi từ bà con trên đảo, các loại lá dược liệu này sẽ được sơ chế, rửa sạch, sau đó phơi trong lồng kín dưới ánh sáng tự nhiên để đảm bảo vệ sinh, giữ được hương vị của trà (hiện nay đã có máy sấy lạnh).

Sau đó, lá trà sẽ tiếp tục được trộn vào nhau và đưa vào máy cắt/nghiền nguyên liệu theo tỷ lệ tiêu chuẩn. Tiếp theo trà sẽ được đưa vào máy đóng gói sản phẩm theo dạng túi lọc. Khâu dán nhãn bao bì, đóng hộp được nhân viên thực hiện thủ công. Sản phẩm hiện có bán trên thị trường với giá 138.000 đồng/hộp (20gam).

Ông Nguyễn Đức Hiệp - Giám đốc điều hành Hann Group cho biết, với việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào quy trình sản xuất trà rừng đã giúp một thức uống truyền thống của bà con đảo Cù Lao Chàm trở thành một thức uống hiện đại hơn, được sử dụng rộng rãi trên thị trường.

“Cách chế biến dựa trên nền tảng truyền thống của bà con, thông qua quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo yếu tố vệ sinh, các tiêu chuẩn đóng gói nhưng vẫn giữ nguyên hương vị, chất lượng nước lá truyền thống Cù Lao Chàm” - Ông Hiệp nói.

Nhận thấy Trà rừng Cù Lao Chàm có đầy đủ tiêu chuẩn nên Hann Group đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Quảng Nam năm 2019 và kết quả được xếp hạng 4 sao OCOP.

“Đây là một kết quả rất ý nghĩa với tập đoàn trong việc định hướng chiến lược phát triển sản phẩm trà rừng đặc trưng này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển, nâng cấp sản phẩm lên đạt chuẩn 5 sao OCOP, đồng thời mở rộng thị trường trong nước và xa hơn là xuất khẩu ra thị trường các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu” - Ông Hiệp nói.

MỸ LINH