Kích cầu tiêu dùng hàng hóa
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh đang giảm. Hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh đang khuyến mãi, kích thích nhu cầu mua sắm của người dân.
Tháng 2 giảm 0,77%
Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm khiến giá nhiều mặt hàng trong nhóm lương thực, thực phẩm, may mặc, đồ dùng gia đình giảm sâu trong tháng 2.
Theo Cục Thống kê Quảng Nam, chỉ số giá tiêu dùng nhóm lương thực giảm 0,32% so với tháng trước và giảm ở tất cả mặt hàng, như gạo (giảm 0,27%), lương thực chế biến (giảm 0,12%) hay bột mỳ và ngũ cốc (giảm 2,8%). Về chỉ số giá tiêu dùng nhóm thực phẩm, giảm 1,17% so với tháng trước và cũng giảm ở hầu hết mặt hàng, thịt gia súc tươi sống giảm 0,42%, thịt gia cầm tươi sống giảm 1,21%, thịt chế biến giảm 0,89%, thủy sản tươi sống giảm 0,42%, rau giảm 4,88%, quả giảm 5,45%...
Ông Trần Hữu Lộc - Trưởng phòng Thống kê thương mại (Cục Thống kê Quảng Nam) cho biết, do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên người dân hạn chế tụ tập chỗ đông người hoặc ra bên ngoài ăn uống, vui chơi, giải trí, du lịch... Do vậy, chỉ số giá tiêu dùng nhóm ăn uống ngoài gia đình giảm 0,43%, chỉ số giá tiêu dùng nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,45% so với tháng trước.
So với tháng 1, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có đến 8 nhóm giảm chỉ số giá tiêu dùng, như đồ uống và thuốc lá giảm 0,47%; hàng may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,56%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,13%... Riêng 3 nhóm thuốc, dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông; giáo dục trong tháng 2 khá ổn định.
Ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê Quảng Nam cho biết, giá xăng và dầu diesel được Nhà nước điều chỉnh giảm 2 lần liên tiếp với tổng mức giảm 1.550 đồng/lít với xăng A95, giảm 1.360 đồng/lít với xăng E5 và 1.370 đồng/lít với dầu diesel khiến cho chỉ số giá tiêu dùng nhóm nhiên liệu giảm 5,18% so với tháng trước. Nhóm giao thông cũng giảm sâu chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước (giảm 2,96%).
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại của người dân giảm khiến cho chỉ số giá tiêu dùng của nhiều dịch vụ giao thông công cộng và dịch vụ khác cho phương tiện cá nhân cũng giảm. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng của vàng trong tháng 2 lại tăng 2,66% so với tháng trước. Tương tự, chỉ số giá tiêu dùng của đô la Mỹ cũng tăng 0,26% so với tháng 1.
Kích cầu tiêu dùng
Theo ông Trần Hữu Lộc - Trưởng phòng Thống kê thương mại, dù chưa có thống kê cụ thể chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3, tuy nhiên, do dịch Covid-19 đang hoành hành nên dự kiến sẽ giảm so với cùng kỳ. Tín hiệu vui là hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh đang ra sức kích cầu tiêu dùng bằng nhiều giải pháp thiết thực.
Do hàng nông sản bị ách tắc, Co.opMart Tam Kỳ đang triển khai chương trình giảm giá, kích cầu tiêu dùng, tăng lượng tiêu thụ, tháo gỡ đầu ra cho nông dân sản xuất ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước, trong đó có Quảng Nam.
Theo đó, các loại đu đủ, cam, dưa hấu, táo, bưởi da xanh đều được giảm giá 15%. Đặc biệt, 3 mặt hàng nông sản đang bị ảnh hưởng nặng nề khi thị trường Trung Quốc chưa được khai thông là trái thanh long, dưa hấu và cá basa đang được hệ thống Co.op nói chung, Co.opMart Tam Kỳ nói riêng bán không thu lợi để vừa hỗ trợ nông dân vừa kích cầu tiêu dùng.
Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, siêu thị nói trên áp dụng khuyến mãi sâu, thu hút khách hàng mua sắm, sử dụng, như sữa đậu nành, giảm giá từ 26 nghìn đồng/6 hộp còn 23 nghìn đồng/6 hộp. Các loại bột ngọt, cá hộp, bắp, xúc xích, dầu ăn, nước mắm đều giảm giá sâu.
Bà Vũ Thị Thanh Nga - Trưởng ban Quản lý chợ Tam Kỳ và chợ Vườn Lài cho biết, chỉ ngày 8.3 người dân đổ xô mua sắm hàng hóa do lo ngại dịch Covid-19 lây lan, các ngày sau đó, hàng hóa đều rơi vào cảnh ế ẩm. Nguyên nhân là hàng hóa, sản phẩm ở chợ truyền thống không thể so sánh về chất lượng, mẫu mã, bao bì, nhãn mác, đặc biệt là các hình thức khuyến mãi gây ấn tượng mạnh của siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.
“Chúng tôi đang loay hoay tìm dịp nào đó để tổ chức chương trình khuyến mại sâu cho hàng hóa ở chợ Tam Kỳ và chợ Vườn Lài, qua đó tri ân khách hàng, tạo điểm nhấn mua sắm hàng hóa, “định vị” tốt hơn khả năng phục vụ khách hàng trên địa bàn của hệ thống chợ truyền thống” - bà Vũ Thị Thanh Nga nói.