Đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng

VIỆT NGUYỄN 29/02/2020 08:56

Nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng ngày một tăng cao nên trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh cần chú trọng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đưa sản phẩm sạch đến người tiêu dùng.

Nước mắm Cửa Khe đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nước mắm Cửa Khe đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều mối nguy

Các chợ hải sản trên địa bàn tỉnh tấp nập người mua kẻ bán từ tờ mờ sáng. Trong cảnh sáng tối chập chờn, rất khó nhận ra các thủ thuật dùng u rê tẩm hải sản của tư thương. Ở bến cá An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên), chị Như - tư thương mua hải sản lên bán ở các địa bàn miền núi tỉnh bơ cho biết, tẩm u rê để hải sản còn tươi sau thời gian dài vận chuyển. Ở các chợ hải sản khác cũng không thể kiểm soát được chất lượng.

Ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, urê là phân bón hóa học, loại hóa chất này có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, giá thành lại rẻ nên không ít người kinh doanh hải sản tươi sống dùng để bảo quản, giữ cho thực phẩm không bị ươn.

Khi sử dụng để tẩm ướp hải sản, urê sẽ ngấm trực tiếp vào cá, tôm, mực. Sau đó, thực phẩm này dù có được rửa kỹ nhiều lần vẫn không loại bỏ được hết các chất độc hại đã ngấm sâu. Khi ăn hải sản tẩm ướp u rê, cơ thể người có thể bị giảm hoạt động của tuyến giáp, rối loạn máu ác tính, rối loạn thần kinh...

Ngoài ra, urê có thể chứa các thành phần nguy hiểm như kim loại nặng gây ngộ độc, nhẹ thì gây chóng mặt, đau bụng, nặng hơn sẽ gây nôn mửa, tiêu chảy, trường hợp cấp cứu không kịp có thể gây tử vong. 

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong năm 2019, nhiều mẫu xét nghiệm thực phẩm ngẫu nhiên được lấy ở các chợ trên địa bàn tỉnh đã cho thấy thực phẩm không đảm bảo an toàn. Cụ thể, cá không đạt yêu cầu về chỉ tiêu Cd, Hg - là kim loại nặng gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Rau nhiễm kim loại nặng vượt quá giới hạn cho phép. Nhiều mẫu nước uống không đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh.

“Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ, đầu tư kém, chưa quan tâm thỏa đáng đến an toàn thực phẩm. Công tác xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm ở các cấp huyện, xã tồn tại nhiều bất cập. Năng lực kiểm nghiệm an toàn thực phẩm ở cấp tỉnh còn chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn nhân lực quản lý an toàn thực phẩm còn thiếu và yếu” - ông Nguyễn Văn Văn nói.

Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã triển khai mô hình chuỗi thịt heo an toàn ở xã Tam Phú (Tam Kỳ) nhưng không được mở rộng đầu ra do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Ông Nguyễn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật cho rằng, để nhân rộng các mô hình rau quả theo phương thức hữu cơ và VietGAP, các hợp tác xã cần học hỏi, tham khảo, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, truyền tinh thần đổi mới, chuyên nghiệp cho xã viên đồng thời các xã viên phải thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ của mình, tuân thủ theo quy trình sản xuất an toàn, đa dạng hóa sản xuất.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thị trường nước mắm cũng có số sản phẩm lạm dụng urê. Thông thường, nếu chượp cá với thời gian hơn 12 tháng, nước mắm chỉ đạt tối đa chừng 40 độ đạm là nước mắm loại 1. Nếu chượp cá tiếp thêm một thời gian 5 - 6 tháng nữa thì có nước mắm dưới 25 độ đạm là nước mắm loại 2. Gian lận thương mại đã khiến một số cơ sở chế biến nước mắm tăng độ đạm bằng phương pháp thêm urê. Với kỹ thuật vi sinh mới, sử dụng nhiều phụ gia, nước mắm được chế biến lên đến 50 độ đạm. Theo ngành y tế, nước mắm loại này đầu độc sức khỏe người tiêu dùng.

Thực phẩm an toàn

Theo Sở Công Thương, một số hệ thống phân phối hiện đại như Co.opMart, Big C đã liên hệ, phối hợp tổ chức các sự kiện trưng bày, giới thiệu đặc sản an toàn vào hệ thống siêu thị. Các sản phẩm tham gia giới thiệu đều được kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Thời gian tới, Sở Công Thương đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chung tay, góp sức phối hợp hơn nữa để triển khai chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại các kênh bán lẻ hiện đại. Mục đích nhằm tạo thay đổi hành vi, ý thức người tiêu dùng trong vấn đề lựa chọn thực phẩm an toàn nói chung và nông sản, đặc sản an toàn nói riêng. Đây là hoạt động quan trọng, góp phần quyết định tạo nên thói quen tiêu dùng sản phẩm thực phẩm an toàn, lan tỏa xu hướng tiêu dùng thực phẩm sạch của người dân hiện nay.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ khẳng định hệ thống phân phối hiện đại là kênh định hướng, giải quyết tốt việc đưa thực phẩm sạch, đầy đủ thông tin về xuất xứ, nhãn mác, bảo đảm tiêu chuẩn đến người tiêu dùng. Bởi thực phẩm khi đưa vào kinh doanh ở siêu thị được kiểm soát chặt chẽ. Quy trình này cơ bản chia thành 3 giai đoạn gồm kiểm tra thông tin đầu vào, khảo sát nhà cung cấp và kiểm soát trong quá trình kinh doanh. Theo đó, mỗi giai đoạn đều có quy định riêng phù hợp, chặt chẽ cho từng ngành hàng, từng mặt hàng. Trong quá trình kinh doanh, Co.opMart Tam Kỳ đảm bảo duy trì công tác tự kiểm và phối kiểm cùng các cơ quan chức năng chuyên ngành liên quan. 

Đến thời điểm này, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Co.opMart Tam Kỳ nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hóa chủng loại thực phẩm sạch, triển khai các chính sách tối ưu về giá nhằm thu hút người tiêu dùng. Những sản phẩm thực phẩm sạch định hình tốt ở Co.opMart Tam Kỳ trong thời gian qua là rau Phú Ninh, nước mắm Cửa Khe (Bình Dương, Thăng Bình), nước mắm Ngọc Lan (Tam Thanh, TP.Tam Kỳ), dầu ăn Bảo Tâm, gà Mười Tín, bánh dừa Bảo Linh (Tam Kỳ), bánh tráng Đại Lộc, trứng gà Văn Học (Phú Ninh)...

VIỆT NGUYỄN