Quế Sơn nỗ lực phát triển sản phẩm OCOP
Với quyết tâm đưa các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương đến với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP, thời gian qua huyện Quế Sơn nỗ lực triển khai nhiều phần việc và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tận dụng lợi thế sẵn có từ các mặt hàng nông sản ở vùng quê, anh Đặng Ngọc Hải (Quế An, Quế Sơn) đã xây dựng được cơ sở sản xuất - kinh doanh bánh kẹo và từng bước đưa sản phẩm hướng đến Chương trình OCOP. Anh Hải cho biết, cơ sở của anh có nhiều loại sản phẩm như bánh mỳ, bánh ngọt, bánh trung thu, kẹo đậu phụng, kẹo me, kẹo dừa... với 10 nhân công làm việc thường xuyên. Bình quân mỗi ngày cơ sở cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 150kg bánh kẹo các loại.
Với mong muốn khẳng định chất lượng và thương hiệu sản phẩm, đầu năm 2019 anh Đặng Ngọc Hải chủ động chọn sản phẩm kẹo đậu phụng đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Được sự giúp đỡ tích cực của các ngành liên quan ở huyện Quế Sơn cũng như chính quyền xã Quế An, anh Hải nhanh chóng hoàn thiện thủ tục về đăng ký sản phẩm, xây dựng thương hiệu và lập hồ sơ tham gia dự thi đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Qua nhiều đợt bình xét ở cấp huyện và cấp tỉnh, cuối năm 2019 sản phẩm kẹo đậu phụng của cơ sở anh Hải được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
“Khi kẹo đậu phụng của cơ sở tôi được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, chắc chắn thời gian tới sẽ rất thuận lợi trong việc phát triển sản phẩm, bởi nhiều khách hàng sẽ biết đến và có sự tin tưởng hơn. Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín, thương hiệu, giúp kẹo đậu phụng Ngọc Hải cạnh tranh mạnh hơn với các sản phẩm cùng loại trên thị trường” - anh Hải chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Lực - cán bộ phụ trách Chương trình OCOP của huyện Quế Sơn cho biết, năm 2019 toàn huyện có 6 sản phẩm tham gia dự thi đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Qua bình xét, có 4 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm phở sắn của Công ty TNHH Caromi, kẹo đậu phụng Ngọc Hải của cơ sở sản xuất - kinh doanh Đặng Ngọc Hải, nếp đắng Lộc Đại của Hợp tác xã Nông nghiệp Quế Hiệp, khoai chà của Hợp tác xã An Xuân Sơn.
Theo ông Lực, nhằm tiếp sức cho các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, từ nguồn kinh phí của tỉnh, huyện Quế Sơn đã hỗ trợ 150 triệu đồng cho Công ty TNHH Caromi mua sắm máy sản xuất phở sắn; 50 triệu đồng cho cơ sở sản xuất - kinh doanh Đặng Ngọc Hải mua máy nướng bánh tráng; gần 13 triệu đồng cho Hợp tác xã Nông nghiệp Quế Long mua tủ đông lạnh và máy hút chân không để bảo quản sản phẩm gà tre Đèo Le. Ngoài ra, huyện cũng đã triển khai hỗ trợ các chủ thể xây dựng website, tư vấn thiết kế, in ấn bao bì sản phẩm, đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm với số tiền hơn 500 triệu đồng...
Năm 2020 huyện Quế Sơn có thêm 5 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP, gồm: bánh quế dừa Nhật Huy ở xã Quế Xuân 1, bánh dừa nướng Quý Thu ở xã Quế Xuân 2, rau cải cầu vồng đỏ và rau cải ngọt Nhật Bản của Hợp tác xã Công nghệ cao Phước Thành ở xã Quế Thuận, chuối hương tiến vua của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Phú Mỹ Vương ở xã Quế Phú.
Ông Lưu Văn Thành - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, các sản phẩm vừa nêu hiện phát triển khá mạnh và có đầu ra tương đối ổn định. Một số sản phẩm cũng đã tham gia trưng bày và bày bán tại các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm do huyện và tỉnh tổ chức.
“Để 5 sản phẩm nêu trên được xếp hạng OCOP, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đánh giá, phân hạng cho các chủ thể thực hiện chương trình. Có kế hoạch tổ chức cho các chủ thể tham quan, học tập những mô hình OCOP tiêu biểu, phù hợp ở các địa phương trong tỉnh. Đồng thời đưa các chủ thể tham dự những lớp tập huấn, hướng dẫn về Chương trình OCOP do tỉnh tổ chức. Huyện cũng sẽ tăng cường đưa các sản phẩm đi trưng bày, giới thiệu tại những hội chợ thương mại để quảng bá thế mạnh, tiềm năng, mở rộng thị trường tiêu thụ…” - ông Thành nói.