Đánh thức tiềm năng sản vật bản địa
Nhằm đánh thức tiềm năng, đưa sản vật bản địa thành sản phẩm hàng hóa, huyện Đông Giang đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp.
Ở vùng cao Đông Giang, các sản phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ đã được người tiêu dùng chấp nhận và bước đầu tạo dựng thương hiệu, đáng mừng đều là sản vật bản địa.
Nổi bật có thể kể đến rượu ka kun, ớt A Riêu, chè dây Ra zéh… Không phải nổi tiếng nhờ là sản vật đặc trưng của núi rừng, các loại sản phẩm vừa nêu đều có nhiều công dụng cho người dùng.
Theo đó, rượu ka kun có tác dụng chữa thấp khớp, huyết áp cao, mát gan; ớt A riêu thơm mùi thảo mộc, độ cay nồng; chè dây Ra zéh vị ngọt, đắng, tính mát hỗ trợ chữa các loại bệnh liên quan tới dạ dày, đường ruột... Điều đặc biệt, hoạt chất đặc trưng trong chúng chỉ có được khi sinh trưởng trong điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu vùng cao Đông Giang.
Sản phẩm rượu ka kun, ớt A Riêu hay chè dây Ra zéh ngày càng khẳng định thương hiệu với sự quan tâm của chính quyền huyện Đông Giang bằng việc hỗ trợ nguồn lực thông qua công tác khuyến công, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc liên quan. Đến nay, ớt A Riêu Mà Cooih, chè dây Ra Zéh xây dựng xong nhãn hiệu tập thể độc quyền. Riêng với ớt A Riêu, người tiêu dùng có thể lựa chọn ớt muối chua, ớt phối liệu (ớt xay trộn với muối), tương ớt…
Để tiếp tục khai phá tiềm năng sản vật địa phương, ông Phạm Cườm - chuyên viên Phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang cho hay, năm 2019 UBND huyện quyết định phê duyệt nội dung và dự án đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất giống, trồng và chế biến sản phẩm rượu Tà Vạc”; “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản cây nghệ đen tại xã Sông Kôn”. Đến nay, việc ứng dụng đề tài vào thực tế đang đi đúng hướng.
Đại diện Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang cho biết, địa phương đã khảo sát chọn hộ để lập vườn ươm cây nghệ đen. Đồng thời, chủ nhiệm đề tài cũng đã mua nghệ từ nơi khác về nghiên cứu đánh giá, so sánh xem nghệ đen địa phương có hoạt chất nào vượt trội.
Với rượu Tà Vạc, hiện có 8 hộ ở xã A Ting (5 hộ) và Jơ Ngây tham gia chương trình. Họ được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật gieo ươm, trồng chăm sóc và kỹ thuật thu hoạch, sơ chế sản phẩm. Thay vì chế biến bằng phương pháp thủ công, chỉ vài ngày sau rượu đã bị hư, huyện đầu tư dây chuyền chưng cất rượu không dùng hóa chất tại xã Jơ Ngây. Theo đó, rượu chưng cất vừa đảm bảo vệ sinh, lại bảo quản được lâu dài.
Có thể khẳng định, việc khai phá thành công các sản vật bản địa sẽ mang lại thu nhập ổn định cho người dân Đông Giang, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.