Trợ sức hàng "made in Quảng Nam"
Các sản phẩm làng nghề “made in Quảng Nam” đang gặp khó trên thị trường nội địa, rất cần sự đồng hành, tiếp sức của ngành chức năng để khẳng định thương hiệu, nâng cao vị thế, ổn định thị trường tiêu thụ.
Làng nghề gặp khó
Quảng Nam có nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, in dấu ấn đậm nét trên bản đồ làng nghề đất nước như gốm Thanh Hà, rau Trà Quế (TP.Hội An), đúc đồng Phước Kiều, mộc mỹ nghệ Đông Khương (thị xã Điện Bàn)... Nhờ đó đã mở ra triển vọng trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhưng đáng tiếc là không ít làng nghề nổi tiếng lại có nguy cơ lùi vào dĩ vãng.
Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng của làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) chia sẻ, hàng hóa của làng nghề được sản xuất từ các chất liệu gỗ chất lượng như giáng hương, kiền kiền, giá bán cao đã không cạnh tranh được với hàng hóa cùng chủng loại có giá rẻ được sản xuất từ nguyên liệu ván ép. Suốt thời gian dài, làng nghề sống chung với du lịch nhưng từ khi bến đò Cẩm Kim ngưng hoạt động, đường bộ xa xôi nên các tour du lịch không mặn mà, làng nghề đìu hiu, hoạt động cầm chừng.
Hiện tại các làng nghề xứ Quảng đã có Hiệp hội hàng thủ công mỹ nghệ do nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp đứng đầu. Hiệp hội có vai trò tăng tính liên kết giữa các làng nghề, giữa làng nghề với các ngành nghề khác, là nhân tố quan trọng để đẩy mạnh năng lực tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường của sản phẩm làng nghề. Nhiều ý kiến cho rằng, hiệp hội cần mở rộng quy mô sản xuất, xuất khẩu sản phẩm, trước hết là các nước khu vực châu Á, vì người tiêu dùng có nhiều nét văn hóa tương đồng với văn hóa Quảng Nam.
Nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh hoạt động tự phát, phát triển theo kiểu cha truyền con nối, chưa thực sự có chiến lược căn cơ để phát triển sản phẩm chủ đạo. Điều này đã dẫn tới mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, chưa đáp ứng tốt thị hiếu người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm có mẫu mã na ná nhau, chưa có được những đặc điểm nổi bật mang dấu ấn của bản sắc văn hóa địa phương. Hoạt động sản xuất của làng nghề chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, nên việc đầu tư thiết bị công nghệ để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm rất hạn chế. Liên kết trong sản xuất giữa các hộ chưa chặt chẽ, nên chưa tận dụng được các dịch vụ chung để giảm chi phí sản xuất và chi phí lưu thông. Do vậy, ngoài khả năng cạnh tranh về mẫu mã, khả năng cạnh tranh về giá của sản phẩm làng nghề cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương), việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề xứ Quảng còn yếu do khả năng tiếp thị sản phẩm chưa được đầu tư đúng mức. Thị trường trong nước rộng lớn, hằng năm có hàng triệu lượt khách du lịch nước ngoài đến tham quan nhưng việc khai thác lợi thế này để bán sản phẩm còn chưa đạt. Mối liên kết giữa các làng nghề và ngành du lịch tuy đã được chú trọng nhưng chưa chặt chẽ, việc giới thiệu và cung cấp sản phẩm của làng nghề cho du khách chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với du khách nước ngoài.
Đồng hành, tiếp sức
Ông Đinh Văn Phúc cho biết, Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu đã đồng hành với các làng nghề trong thời gian qua, tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, tiếng nói của các nghệ nhân để hỗ trợ họ khẳng định chất lượng sản phẩm, thương hiệu hàng hóa, nỗ lực tìm chỗ đứng trong xu thế hội nhập ngày càng cao. Theo đó, đã thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm làng nghề, hướng đến xuất khẩu cho một số sản phẩm nổi trội, qua đó, nâng cao giá trị gia tăng, tăng dần tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu.
“Chúng tôi đã liên hệ với tỉnh bạn để phối hợp triển khai xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, giúp hàng hóa các làng nghề thuận lợi thông thương cũng như liên kết các làng nghề Quảng Nam và tỉnh bạn, tạo mối liên hệ làm ăn lâu dài, nhất là cùng sản xuất theo chuỗi trên cơ sở hợp tác về nguyên liệu, quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Mỗi năm, chúng tôi đều tham mưu tỉnh vinh danh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tạo bệ đỡ cho sản phẩm ngày càng vươn xa ra thị trường” - ông Đinh Văn Phúc nói.
Hàng hóa làng nghề không chỉ cạnh tranh với các sản phẩm trong nước mà còn giành thị trường với các sản phẩm cùng chủng loại nhập khẩu, bởi xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế không loại trừ Quảng Nam.
Để hỗ trợ làng nghề nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, ngành công thương cần đồng hành, hỗ trợ đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, giúp các sản phẩm công nghiệp nông thôn chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao năng suất lao động, phát triển các lợi thế, đem lại giá trị sản xuất lớn.
Ông Thiều Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Ngành công thương luôn hỗ trợ để các làng nghề ổn định và phát triển. Cụ thể như tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của các làng nghề cũng như thường xuyên cung cấp thông tin về các thị trường xuất khẩu, ngành hàng xuất khẩu, những quy tắc của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia, để làng nghề tận dụng thời cơ xuất khẩu hàng hóa”.