Cạnh tranh thị phần bưu chính chuyển phát
Giai đoạn 2019 - 2020, lĩnh vực bưu chính chuyển phát (BCCP) trên cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng bước vào cuộc đua giành thị phần; theo đó doanh nghiệp BCCP phải nỗ lực nâng chất lượng, cung cấp dịch vụ tối ưu, nâng chỉ số hài lòng của khách hàng.
Cạnh tranh gay gắt
Năm 2020, theo đánh giá của Bộ TT-TT, cạnh tranh trong lĩnh vực BCCP diễn ra mạnh mẽ, khốc liệt hơn nhiều so với lĩnh vực viễn thông. Bởi lẽ, lĩnh vực viễn thông chủ yếu cạnh tranh giữa 3 nhà mạng lớn là VinaPhone, MobiFone và Viettel, trong khi lĩnh vực bưu chính xuất hiện khoảng 300 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ, trong đó có 2 doanh nghiệp lớn là Bưu điện Việt Nam (VNPost) và Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post). Thậm chí, chưa kể một loạt doanh nghiệp bưu chính không phép và rất nhiều nhà xe hoạt động BCCP không phép (xe khách vận chuyển hàng hóa với chi phí chỉ 20.000 - 30.000/gói hàng liên tỉnh).
Trước xu hướng cạnh tranh thiếu lành mạnh trong lĩnh vực BCCP, Bộ TT-TT có chủ trương định danh mã bưu chính để điều chỉnh tình trạng này. Mã định danh bưu chính góp phần làm giảm tình trạng một số doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dưới giá thành quy định khiến các doanh nghiệp bưu chính hoạt động đúng quy định bị ảnh hưởng. Lĩnh vực giao nhận BCCP cho hoạt động kinh doanh trực tuyến đang thịnh hành, đặc biệt mảng dịch vụ thu tiền hộ (Ship COD) thu hút rất nhiều đơn vị tham gia.
Trên thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh bưu chính truyền thống như VNPost, Viettel Post… đều đã tham gia cung cấp dịch vụ giao nhận cho hoạt động kinh doanh trực tuyến từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt về giá dịch vụ thì thị trường BCCP càng khốc liệt với sự cạnh tranh về tốc độ giao hàng, chất lượng, an toàn dịch vụ...
Ông Trần Việt Hùng - Giám đốc Bưu điện tỉnh chia sẻ, năm 2019, thị trường BCCP tiếp tục cạnh tranh khắc nghiệt hơn bởi xu hướng phát triển của khoa học công nghệ và sự hình thành các doanh nghiệp start-up công nghệ có nguồn vốn lớn từ nước ngoài, nhiều doanh nghiệp mới đã tham gia kinh doanh trong hầu hết dịch vụ chiến lược của Bưu điện Việt Nam như chuyển phát thương mại điện tử, chuyển phát nhanh, tài chính bưu chính... Ngoài ra, Bưu điện Quảng Nam phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn khi xuất hiện nhiều đơn vị vận chuyển BCCP hoạt động tràn lan, không có nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước, sản phẩm bưu chính không qua kiểm duyệt, kiểm soát, quản lý chặt chẽ, chấp hành đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều nhà xe, hãng xe cũng tham gia khâu vận chuyển, khai thác dịch vụ chuyển phát, mà không đăng ký giấy phép, không có đăng ký hoạt động... Trong khi đó, Bưu điện Quảng Nam mỗi năm luôn hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, riêng năm 2019 đã đóng thuế cho Nhà nước 6 tỷ đồng.
Nỗ lực làm mới
Tại Quảng Nam, trước cuộc đua và sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực BCCP, đòi hỏi các đơn vị như Bưu điện tỉnh Quảng Nam, Bưu chính Viettel - Chi nhánh Quảng Nam nỗ lực nâng cấp dịch vụ, uy tín trên thị trường để giữ và phát triển thị phần.
Ông Trịnh Quang Cảnh - Giám đốc Viettel Post chi nhánh Quảng Nam cho biết, Viettel Post đã nỗ lực ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như ứng dụng nền tảng App Viettel Post tạo đơn, nhập đơn, excel, kiểm soát đơn hàng chỉ cần click chuột; xây dựng nền tảng bán hàng đa kênh hợp nhất Viettel Sales; triển khai sản phẩm gọi xe và giao hàng trực tuyến MyGo giao hàng nội tỉnh… Năm 2020, Viettel Post cam kết đầu tư công nghệ, mang tới cho khách hàng những trải nghiệm mới. Nâng cấp hệ thống băng chuyền chia chọn hiện đại tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ với tốc độ 40.000 bưu phẩm/giờ.
Đối với Bưu điện Quảng Nam, ông Trần Việt Hùng cho hay, năm 2020 đơn vị tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tối ưu nâng chất lượng các dịch vụ SMS, bưu phẩm thường, dịch vụ bưu kiện, bưu phẩm đảm bảo, dịch vụ SMS thỏa thuận, các dịch vụ hành chính công, phát hành báo chí, dịch vụ logistis (dịch vụ BCCP trong nước) và cả dịch vụ BCCP quốc tế. Việc ứng dụng phần mềm, công nghệ được Bưu điện Quảng Nam chú trọng đầu tư hơn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác dịch vụ. Vận hành hệ thống phần mềm BCCP với 31 máy tính trạm tại 18 bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã; kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến, kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia... Đồng thời tiếp tục duy trì ổn định mạng lưới, mở rộng thị trường, phát triển các dịch vụ mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; cải tiến, đổi mới tổ chức quản lý, hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp bưu chính công nghệ hàng đầu tại Quảng Nam...