Chống gian lận thương mại, bảo vệ hàng Việt

VIỆT NGUYỄN 16/02/2020 06:52

Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ hàng Việt, bảo vệ người tiêu dùng, tạo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, qua đó, thúc đẩy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào chiều sâu.

Ngành chức năng xử lý rượu lậu. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngành chức năng xử lý rượu lậu. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều mối nguy

Theo Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Quảng Nam (Ban chỉ đạo 389 Quảng Nam), trong năm 2019, ở tuyến biên giới, cửa khẩu, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa vẫn diễn ra, mặt hàng vi phạm chủ yếu là xăng dầu, lâm sản...

Ở thị trường nội địa, các đối tượng với những thủ đoạn tinh vi đã sử dụng nhiều phương tiện, nhất là xe tải thùng kín để vận chuyển hàng hóa, chia tách nhỏ lẻ hàng hóa vi phạm, hợp thức hóa hóa đơn chứng từ hàng hóa... Hàng hóa vi phạm chủ yếu là rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ chơi trẻ em, xăng dầu, khoảng sản, lâm sản, lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, hàng điện tử.

Ở tuyến biển, cảng biển, các đối tượng buôn lậu xăng dầu, khoáng sản bằng các thủ đoạn tinh vi, manh động. Các đối tượng đã lợi dụng thời tiết trên biển có nhiều diễn biến phức tạp để che giấu hành vi trước sự trinh sát, nắm tình hình, tiếp cận, bắt giữ và xử lý của các lực lượng.

Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho rằng, hàng hóa giả nhãn hiệu, vi phạm sở hữu trí tuệ trong năm qua diễn ra phổ biến hơn, tinh vi, phức tạp hơn. Loại tội phạm này thường sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha trộn với một lượng hàng thật hoặc tự sản xuất hàng, sau đó dán nhãn mác của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu để bán ra thị trường, thu lợi bất chính. Điều đáng nói là các đối tượng này có trình độ chuyên môn cao, am hiểu nhu cầu thị trường và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng.

“Chúng tôi đã xử lý nhiều vụ việc và sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong 6 tháng đầu năm này, phạt mạnh tay để đủ sức răn đe, bảo vệ người tiêu dùng. Các đơn vị quản lý thị trường trực thuộc ở 18 huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ cũng như chủ động phối hợp với lực lượng của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc để mở rộng điều tra, xử lý triệt để tận gốc các vi phạm” - ông Đoàn Ngọc Sơn nói.

Các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bằng nhiều hình thức như ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật, không kinh doanh hàng lậu, hàng giả, kinh doanh thực phẩm an toàn, chất lượng. Trong năm 2019, phát 600 tờ rời đến ngư dân tuyên truyền phòng chống tội phạm ma túy. Nhiều hội thảo, lớp tập huấn để hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản tự công bố, tập huấn về kiểm soát giết mổ và phòng chống dịch bệnh động vật...

Môi trường internet đang là nơi diễn ra rầm rộ việc quảng cáo, mua bán rất nhiều sản phẩm gian lận thương mại. Các sàn thương mại điện tử bị lợi dụng trở thành một kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng mà các lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý. Bởi đối tượng vi phạm luồn lách còn người tiêu dùng thì chủ quan, mất cảnh giác; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa lại rất khó kiểm soát. 

Nhiều giải pháp

Theo ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quảng Nam, qua đấu tranh trên địa bàn, đã xuất hiện nhiều khó khăn. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong trao đổi, cung cấp thông tin còn chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ. Chi phí giám định cao, thời gian giám định hàng hóa dài ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Các lực lượng chức năng còn mỏng, phải tổ chức quản lý, kiểm tra số lượng lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh đồng thời phải tham gia nhiều nhiệm vụ khác trong khi nguồn lực con người còn hạn chế. Trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ của lực lượng còn thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều lực lượng vẫn phải thuê hoặc mượn trụ sở làm việc, không có đủ phương tiện làm việc. 

Bởi vậy, để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiệu quả trong thời gian đến, ông Huỳnh Khánh Toàn yêu cầu các lực lượng quản lý thị trường, công an, biên phòng, hải quan... tăng cường quản lý địa bàn, lĩnh vực, tập trung lực lượng, phương tiện để làm rõ các dấu hiệu vi phạm, qua đó xác lập các kế hoạch, phương án đấu tranh, triệt phá các đường dây, đầu nậu, đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

“Nhiệm vụ quan trọng của Ban chỉ đạo 389 là chú trọng rà soát người, phương tiện qua lại tại các khu vực biên giới, cửa khẩu, chủ động phối hợp các lực lượng chức năng của tỉnh Sê Kông (Lào) trong đấu tranh truy quét các loại tội phạm liên quan. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên các phương tiện thông tin đại chúng để huy động quần chúng tố giác, cùng đấu tranh” - ông Huỳnh Khánh Toàn nói.

Về chống gian lận thương mại trên lĩnh vực thương mại điện tử, ông Đoàn Ngọc Sơn cho biết, đang nghiên cứu các giải pháp, trong đó, nhấn mạnh nhóm mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như rượu, thuốc lá, thuốc chữa bệnh...

“Chúng tôi tăng cường quản lý Nhà nước, xây dựng chương trình, kế hoạch trọng điểm nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm nổi lên trên địa bàn phụ trách. Cùng với đó là xây dựng cẩm nang nhận diện các phương thức, thủ đoạn thường được các đối tượng lợi dụng, vi phạm, phổ biến đến các ngành, địa phương, người dân, qua đó kịp thời nhận diện, triển khai đấu tranh hiệu quả” - ông Đoàn Ngọc Sơn nói.

VIỆT NGUYỄN