Ngân hàng hỗ trợ người vay bị ảnh hưởng nCoV
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang vào cuộc, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch nCoV để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.
Đồng loạt vào cuộc
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV), Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất của doanh nghiệp (DN), người dân cũng như kịp thời hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh. Các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng tập trung vào những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay.
Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, đến nay, hệ thống ngân hàng đã đồng loạt vào cuộc. Tiêu biểu như HDBank chi nhánh Quảng Nam đã triển khai chính sách hỗ trợ DN ngành y, dược và người dân. Cụ thể, miễn 100% phí thanh toán quốc tế cho các khách hàng DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị, vật tư y tế; giảm 50% phí giao dịch tài khoản thanh toán nội địa và giảm 50% phí phát hành các loại bảo lãnh so với quy định hiện hành cho các bệnh viện, trung tâm y tế.
“Đặc biệt, hệ thống HDBank đang triển khai chương trình “Cấp tín dụng DN dược và vật tư y tế” với nhiều ưu đãi dành cho các nhà thầu cung cấp dược và vật tư y tế cho bệnh viện, trung tâm y tế” - ông Đỗ Văn Bảng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giao dịch HDBank chi nhánh Quảng Nam tại TP.Tam Kỳ nói.
Ông Phạm Đức Dũng - Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Tiên Phước cho biết, đang rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch nCoV, trong đó lưu ý các khách hàng hoạt động sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu để có các giải pháp hỗ trợ phù hợp. “Chúng tôi quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp vì nông sản khó bảo quản, thời gian thu hoạch và tiêu thụ ngắn, các khu vực sản xuất lại đang bị ách tắc bởi không thể xuất khẩu sang Trung Quốc” - ông Dũng nói.
Tương tự, ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi đang rà soát lại thiệt hại của các khách hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam. Khi có thống kê đầy đủ, chúng tôi sẽ đề xuất với cấp trên có giải pháp hỗ trợ kịp thời” - ông Lam nói.
Cần quy định rõ hơn
Ông Trần Quang Hổ cho biết, ngày 12.2 là thời điểm các ngân hàng trên phạm vi toàn quốc sẽ có báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kết quả bước đầu trong triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, người dân. Theo đó, dự kiến đến ngày 22.2, Ngân hàng Nhà nước sẽ có chỉ đạo cụ thể, giúp hệ thống ngân hàng có giải pháp sát sườn, phù hợp với các khoản vay vốn đặc thù. Trong quãng thời gian đến ngày 22.2, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn; đồng thời phối hợp với các sở, ngành kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh có giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân vay vốn bị thiệt hại do dịch cúm theo quy định.
“Tái cơ cấu nợ, chuyển nợ, giãn nợ là các giải pháp phù hợp trong bối cảnh DN, người dân bị thiệt hại do dịch nCoV. Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam vào cuộc mạnh mẽ, tránh việc lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và phân loại, xử lý nợ xấu. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh” - ông Trần Quang Hổ nói.
Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn đến hệ thống ngân hàng hỗ trợ DN, người dân chịu thiệt hại do dịch nCoV. Tuy nhiên, hướng dẫn chung này không khu biệt cho riêng ngân hàng nào nên cái khó là các ngân hàng với đặc thù riêng rất lúng túng khi thực hiện.
Ông Lê Hùng Lam cho rằng, mỗi ngân hàng cần có sự thẩm định riêng, chính xác đối với từng đối tượng vay vốn để có giải pháp phù hợp, nhất là tránh lợi dụng chính sách để hưởng lợi không đúng. Bởi, dịch nCoV tác động xấu đến tất cả lĩnh vực kinh doanh, sản xuất. Đối tượng bị ảnh hưởng là rất lớn, cần những tiêu chí cụ thể về đối tượng, mức độ thiệt hại… thì các ngân hàng mới có cơ sở thực hiện.