Doanh nghiệp lo lắng nguồn nguyên liệu

L.DIỄM - Q.VIỆT 10/02/2020 13:18

Doanh nghiệp (DN) dệt may, da giày trên địa bàn tỉnh phần lớn sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất, kinh doanh. Ảnh hưởng từ dịch viêm phổi cấp do vi rút corona tiếp tục lan rộng, các hoạt động giao thương giữa DN Trung Quốc với các DN trong nước bị gián đoạn nên thiếu hụt nguyên liệu đang trở thành nỗi lo của DN.

Ngành công nghiệp dệt may, da giày của tỉnh sẽ bị tác động mạnh bởi dịch bệnh viêm phổi cấp. Ảnh: D.L
Ngành công nghiệp dệt may, da giày của tỉnh sẽ bị tác động mạnh bởi dịch bệnh viêm phổi cấp. Ảnh: D.L

Vừa sản xuất vừa tìm nguồn

Toàn tỉnh hiện có 128 DN may và 44 DN dệt, sợi với hơn 43 nghìn lao động đang làm việc, chiếm khoảng 44% tổng số lao động của toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Nguyên phụ liệu nhập khẩu chiếm đến 90%. Sự phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc khiến nhiều DN dệt may của tỉnh lo lắng vì sẽ tác động đến việc làm, thu nhập của người lao động trong toàn tỉnh.

Bà Đặng Lệ Liên - Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH MTV Vast Apparel Việt Nam (Cụm công nghiệp Tam Đàn, Phú Ninh) cho biết trong những ngày diễn ra dịch viêm phổi cấp, hoạt động sản xuất của công ty vẫn diễn ra bình thường, người lao động quay lại làm việc đông đủ sau kỳ nghỉ tết.

Bà Liên cho biết: “Ngày 9.2, công ty đã phun thuốc khử trùng toàn bộ khuôn viên công ty. Công nhân được phát khẩu trang khi làm việc. Về nguyên phụ liệu thì công ty đã nhập từ cuối năm 2019 để chủ động các đơn hàng đã được đối tác đặt. Nguyên phụ liệu có thể đảm bảo cho công ty sản xuất ổn định đến tháng 5.2020, sau đó sẽ tiếp tục nhập khẩu. Tình hình hiện tại chưa biết dịch bệnh corona sẽ diễn tiến thế nào, nên công ty mẹ cũng lo lắng, đang tìm các đối tác cung ứng nguyên phụ liệu mới ngoài Trung Quốc để đảm bảo được đơn hàng sản xuất”.

Đối với Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Miền Trung (Điện Bàn), nếu tình hình dịch bệnh phức tạp, hoạt động giao thương đình trệ thì chỉ trong vòng 3 tuần nữa là công ty sẽ rơi vào tình thế khó khăn trong việc sản xuất.

Ông Lê Châu Khương - Giám đốc công ty này cho biết: “Hiện nay hoạt động sản xuất giày da đang ổn định do có nguồn nguyên phụ liệu đã nhập về từ trước tết. Nhưng đến khoảng trung tuần tháng 3 mà không nhập được hàng thì mọi kế hoạch sản xuất sẽ đình trệ. Công ty hiện có các đối tác, khách hàng đặt đơn hàng mới, nhưng nguồn vật tư chưa về nên công ty rất lo lắng. Kế hoạch sản xuất năm 2020 của nhà máy ở Quảng Nam là 3,4 triệu sản phẩm, nhưng sợ rằng dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành kế hoạch này”.

Nội địa hóa

Khi một ngành công nghiệp phụ thuộc lớn và nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, có sự cố về thiên tai, dịch bệnh xảy ra đối với nước cung ứng thì tác động sẽ vô cùng nặng nề. Cụ thể trong bối cảnh hiện nay, rủi ro đến từ phía các DN xuất khẩu nguồn nguyên phụ liệu dệt may, da giày của Trung Quốc cho DN Việt Nam.

Ông Han Chul Joon - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng cho biết, vốn là một DN sản xuất hàng gia công cho DN nước ngoài, công ty đang chuyển mình thành DN sản xuất hàng FOB (mua đứt, bán đoạn) nên chú trọng đạt giá trị xuất khẩu hàng dệt may cao cũng như tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Nguồn nguyên liệu chính phục vụ sản xuất là sợi cotton và một ít pollyester, các vật liệu phụ trợ cho việc sản xuất áo quần như kim, chỉ, cúc áo, bao bì, nhãn mác... Nguyên phụ liệu nội địa có chất lượng tốt, tuy nhiên DN mới chỉ có thể đặt được đơn hàng gia công và thu mua bao bì từ các DN FDI lân cận trong cùng khu công nghiệp, số lượng ít ỏi. Do vậy, DN chủ yếu vẫn phải phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, nhiều nhất là từ Trung Quốc.

“Thực tế là chưa có một trang thông tin chung nào về các DN hay cụm công nghiệp, khu công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu dệt may tại tỉnh Quảng Nam để các DN FDI như chúng tôi tìm hiểu, nắm bắt thông tin, cập nhật tình hình, phối hợp sản xuất, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập” - ông Han Chul Joon nói.

Ông Nguyễn Ngọc Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Hòa Thọ cho rằng, ngành dệt may Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng vẫn chưa thực sự có nền tảng phát triển nhanh, bền vững vì điểm nghẽn chính là nguyên phụ liệu còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu cung ứng nguồn nguyên phụ liệu cho ngành may mặc xuất khẩu. Nguyên phụ liệu ngành may mặc hầu hết vẫn phải nhập khẩu, trong đó chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu chúng ta không giải quyết được bài toán của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ dệt may thì không hưởng lợi được gì nhiều từ các hiệp định thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định CPTPP.

Ông Bình đề xuất, Quảng Nam cần ban hành các chính sách đặc biệt ưu đãi, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may để DN dễ tiếp cận như chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, tín dụng, sử dụng kết cấu hạ tầng và các chính sách hỗ trợ về phát triển kết nối thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, hỗ trợ các DN mạnh dạn đầu tư, chủ động tạo chuỗi nguyên liệu như xơ thiên nhiên, bông, đay, gai, tơ tằm, xơ tổng hợp polyester, viscose, sợi dệt kim, dệt thoi các loại, sợi polyester có độ bền cao, sợi spandex, nylon có độ bền cao, vải kỹ thuật, vải không dệt, vải dệt kim, vải dệt thoi, chỉ may, thuốc nhuộm phục vụ ngành nhuộm hoàn tất vải, phụ liệu ngành may, cúc áo, khóa kéo, băng chun, chần gòn.... Chỉ có vậy mới giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, tạo động lực phát triển.

L.DIỄM - Q.VIỆT