Ổn định thị trường sau tết

VIỆT NGUYỄN 31/01/2020 10:36

Sau tết, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng khan hiếm, sốt giá cục bộ như mọi năm. Các ngành chức năng đang triển khai nhiều giải pháp để ổn định thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.

Thịt heo có sức mua chưa mạnh trên thị trường. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Thịt heo có sức mua chưa mạnh trên thị trường. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Hàng hóa dồi dào

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại chợ Thương mại Tam Kỳ, các mặt hàng thực phẩm đang được bán rất chạy, nhất là hải sản, trứng gà, thịt gà, thịt vịt. Chị Thái Mỹ Linh - tiểu thương ở chợ Thương mại Tam Kỳ cho biết, các loại cá nục, cá ngừ, chìa vôi, cá chim, cua, mực... luôn được người tiêu dùng hỏi mua. Cá ngừ được bán với giá dao động 150 - 155 nghìn đồng/kg, cá thu có giá 260 nghìn đồng/kg, tôm thẻ chân trắng tùy theo kích cỡ có giá 150 - 250 nghìn đồng/kg.

Trong khi đó, thịt heo dù được bày bán rất nhiều nhưng sức mua chưa mạnh. Tùy theo các loại thịt ba chỉ, thịt đùi, thịt vai..., giá thịt heo dao động ở mức 130 - 170 nghìn đồng/kg. Mặt hàng rau củ quả rất dồi dào. Cà rốt có giá 17 nghìn đồng/kg, cà chua có giá 15 nghìn đồng/kg, bí đỏ được bán với giá 20 nghìn đồng/kg... Riêng xà lách giá sụt giảm mạnh so với thời điểm cận tết, từ 30 nghìn đồng/kg còn 20 nghìn đồng/kg.

Ở chợ Tam Kỳ, thịt bò được người tiêu dùng chuộng mua so với thịt heo, có giá 250 - 270 nghìn đồng/kg. Bà Vũ Thị Thanh Nga - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý chợ Tam Kỳ và chợ Vườn Lài cho biết, bia, rượu do nhu cầu tiêu dùng giảm nên sức bán ở chợ Tam Kỳ giảm chừng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng thực phẩm, trái cây đều ổn định về nguồn cung và giá cả. Đường kính có giá 15 nghìn đồng/kg, muối i ốt có giá 5 nghìn đồng/kg, bột ngọt A-One được bán với giá 50 nghìn đồng/kg, dầu ăn Neptune có giá 42 nghìn đồng/lít...

Theo ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, nhìn chung, hàng hóa trong tháng 1.2020 dồi dào, phong phú chủng loại, đa dạng mẫu mã, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu mua sắm, sử dụng của người dân trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều hàng hóa kém chất lượng là hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Các loại hàng hóa này đã được các tư thương, cơ sở buôn bán trà trộn, tiêu thụ trên thị trường. Riêng các đội quản lý thị trường trực thuộc ở các huyện, thị xã, thành phố đã kiểm tra 102 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 82 cơ sở với tổng số tiền hơn 204 triệu đồng.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng tịch thu 325 áo quần các loại, 45 tai nghe điện thoại, 40 pin dự phòng, 75 bao thuốc lá,15 gói kẹo, 83 mắt kính, 22 đồng hồ... Nhiều hàng hóa không đảm bảo quy định đang được ngành chức năng tạm giữ, chờ xử lý, gồm 310kg đồ nhôm gia dụng, 730kg đồ nhựa gia dụng, 50kg đũa gỗ, 70kg chày, cối gỗ, 27kg chảo kim loại, 10kg phụ tùng xe máy và hàng trăm sản phẩm giày dép, hàng dệt may, túi xách...

Ổn định thị trường

Tính chung trong tháng 1.2020, các cơ quan, đơn vị của Cục Quản lý thị trường Quảng Nam đã thực hiện 415 vụ thanh tra, kiểm tra hàng hóa; trong đó phối hợp với các ngành chức năng thực hiện 171 vụ. Theo đó, xử lý 195 vụ việc, chờ xử lý 10 vụ, tổng số tiền xử phạt, sung công quỹ hơn 587 triệu đồng.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để bình ổn thị trường, giá cả trong tháng 2 và quý I.2020, Sở Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu. Đặc biệt, chú ý giá cả những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau tết của người dân để kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý, tránh để xảy ra tình trạng thiếu hàng sốt giá, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. Cùng với đó là tăng cường quản lý, phối hợp với các cơ quan liên quan, địa phương kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

Bà Vũ Thị Thanh Nga cho biết, so với thời điểm trước và trong tết, những ngày sau tết, giá cả các mặt hàng ổn định hơn. Trong những ngày tới, tiểu thương tại chợ Tam Kỳ và chợ Vườn Lài sẽ tiếp tục trở lại buôn bán đầy đủ hàng hóa hơn, như các mặt hàng giày dép, quần áo, bánh kẹo, mỹ phẩm... “Cùng với lượng cung dồi dào, giá các mặt hàng có thể tiếp tục giảm. Đây là tín hiệu vui của thị trường và tin vui cho người tiêu dùng khi không phải lo lắng về việc giá cả leo thang” như thời gian trước đây” - bà Vũ Thị Thanh Nga nói.

Lý giải về việc sau tết, hàng hóa ít biến động, ông Đoàn Ngọc Sơn cho biết, nhờ chú trọng kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý nên thị trường Quảng Nam trước, trong và sau những ngày Tết Nguyên đán ổn định. Theo Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, ngành chức năng đang triển khai 2 nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2. Đó là theo dõi, cập nhật tình hình giá cả hàng hóa trên thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt về tình hình thị trường hàng hóa. Cùng với đó sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để tiến hành dừng, kiểm tra các phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm lưu thông qua địa bàn tỉnh, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

VIỆT NGUYỄN