Vinh danh sản phẩm “made in Quảng Nam”
Những sản phẩm công nghiệp nông thôn “made in Quảng Nam” được UBND tỉnh vinh danh mới đây đã tiếp thêm động lực phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn.
Tinh xảo, chất lượng
Sản phẩm bánh chưng xanh Bà Hội (khối phố Đoan Trai, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) được UBND tỉnh vinh danh giải A. Điểm khác biệt của loại bánh chưng này là chỉ sử dụng nếp bầu được sản xuất ở xã Tam Mỹ Đông (Núi Thành) hoặc xã Quế Xuân 2 (Quế Sơn). Với nguồn nguyên liệu này, bánh chưng vừa có vị ngọt lại thơm lựng, rất chất lượng. Bà Phạm Thị Hội chỉ dùng lá dong có xuất xứ từ huyện Nam Trà My và Bắc Trà My để gói bánh chưng khiến chiếc bánh vừa có mẫu mã rất đẹp lại có màu xanh quyến rũ đặc trưng.
“Tết Nguyên đán đang đến gần, rất nhiều đơn hàng đặt mua bánh chưng khiến chúng tôi vất vả hơn nhưng vui vì thương hiệu bánh chưng đã được khẳng định, lan tỏa trong người dùng. Bánh chưng tuy đơn sơ nhưng chúng tôi rất dày công sản xuất với ưu tiên số một là chất lượng” - bà Phạm Thị Hội nói.
Sản phẩm khay bánh ngày xuân của Cơ sở chạm khắc gỗ Nguyễn Tấn Quý (thôn Hòa Bình, xã Duy Phước, Duy Xuyên) cũng được vinh danh với giải A. Nhìn khay bánh được chạm khắc tinh xảo, rất ấn tượng. Anh Nguyễn Tấn Quý cho biết, chạm khắc gỗ cho khay bánh không chỉ đòi hỏi tay nghề cao mà còn tâm huyết để sản phẩm có chất nghệ thuật, qua đó chiếm ưu thế cạnh tranh với các khay bánh được tạo nên từ chất liệu khác.
“Sau nhiều tìm tòi, học hỏi, lần đầu tiên chiếc khay bánh ngày xuân được đưa ra thị trường và tín hiệu vui là hàng hóa rất được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng. Chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa trong đầu tư chạm khắc khay bánh cũng như quảng bá, tạo thương hiệu cho sản phẩm” - anh Nguyễn Tấn Quý nói.
Năm nay, có 19 cơ sở sản xuất với 38 sản phẩm trên địa bàn tỉnh tham gia trong cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Nam năm 2019. Trong đó, số sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ là 29 sản phẩm, gồm gỗ mỹ nghệ, mây tre lá, cói, lục bình; gốm mỹ nghệ, chế tác đá, đúc gang - đồng, dệt, thổ cẩm, thêu đan, chạm trỗ, điêu khắc... Số sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và đồ uống là 9 sản phẩm.
Ban giám khảo đã tổ chức chấm thi, chấm điểm độc lập trên phiếu của từng giám khảo theo thang điểm theo quy định, đảm bảo tính khách quan, công bằng, chính xác. Đã có 15 sản phẩm đạt giải A, B, C dựa trên các tiêu chí đáp ứng thị trường và khả năng phát triển sản xuất; tiêu chí về kinh tế - kỹ thuật - xã hội và môi trường; tiêu chí về văn hóa, tính thẩm mỹ...
Động lực phát triển
Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho biết, số lượng sản phẩm và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia bình chọn lần này phong phú hơn những năm trước. Các sản phẩm tham gia bình chọn đã thể hiện được bản sắc văn hóa truyền thống kết hợp với tính năng động, hiện đại, nhất là có khả năng mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Qua cuộc bình chọn cho thấy, ngoài những sản phẩm đã khẳng định ưu thế về chất lượng cao và có thị trường tiêu thụ mạnh như sản phẩm bộ đốt nhang và nhang không tăm, bánh tráng cuốn, bánh đậu xanh còn có nhiều sản phẩm mới sử dụng nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương, đang được thị trường ưa chuộng và có khả năng phát triển mạnh trong thời gian tới như vòng trầm mỹ nghệ, khay trà, đèn nơm, hộp hoa sen. Đối với những sản phẩm chưa đạt giải, tác giả cũng nắm được những khiếm khuyết, điểm yếu của sản phẩm để có cơ sở tự đánh giá, hoàn thiện, tăng tính cạnh tranh hơn trong thời gian đến. Đặc biệt thông qua bình chọn, nhiều doanh nghiệp có thêm cơ hội quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, để những năm tiếp theo có thêm nhiều sản phẩm tham gia và việc tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn thực sự trở thành tiền đề cho nhiều cơ sở mở rộng, sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi vai trò rất lớn của cả ngành chức năng lẫn các cơ sở sản xuất. Theo đó, Sở Công Thương hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đào tạo nghề, giúp họ nắm bắt, tiếp cận các chủ trương, cơ chế, chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn để đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm mới, mở rộng thị trường. Các cơ sở sản xuất cần quan tâm hơn nữa trong xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm, đồng thời, chủ động cập nhật thông tin, học hỏi kỹ năng, kiến thức quản lý, mạnh dạn đầu tư để sản phẩm có thị trường tiêu thụ rộng mở hơn. Trên cơ sở UBND tỉnh đã có chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các huyện, thị xã, thành phố cần có định hướng cho việc phát triển sản phẩm của địa phương mình gắn với sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế nông thôn ngày càng phát triển mạnh.