Thị trường lưu trú Hội An gặp khó

HÀ SẤU (thực hiện) 27/12/2019 11:09

Tròn hai thập kỷ gắn bó với du lịch Hội An, từ các vị trí quản lý khách sạn đến lãnh đạo công ty lữ hành... là quãng thời gian đủ dài để ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương cảm nhận được sự biến động khó lường của thị trường dịch vụ lưu trú ở địa phương. Dành cuộc trao đổi với Quảng Nam Cuối tuần, ông chia sẻ nhiều tâm tư, trăn trở về sự bão hòa của thị trường lưu trú Hội An ở thời điểm hiện nay.

* Ở góc nhìn của mình, ông có thể khái quát một chút “bức tranh” thị trường lưu trú ở Hội An hiện nay?

 
 Ông Nguyễn Sơn Thủy. Ảnh: Q.T

Ông Nguyễn Sơn Thủy: Hiện tại về “lượng”, khách du lịch đến Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung vẫn tăng trưởng tốt, địa phương vừa tổ chức lễ đón lượt khách quốc tế thứ 4,6 triệu đến Quảng Nam trong năm nay.

Dù vậy, ở phân khúc lưu trú không khó để hình dung ra nhiều vướng mắc âm ỉ trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê ước tính thì trong năm 2019 tỷ lệ khách quốc tế đến Hội An tăng 5% và lượng khách lưu trú tăng 9% trong khi tổng lượng phòng tăng đến 23%. Khi “chiếc bánh” thị phần lưu trú bị xé lẻ cho hàng loạt cơ sở lưu trú thì việc nhiều villa, homestay ế chỏng chơ khi vào mùa thấp điểm là điều tất yếu. Tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã khiến nhu cầu du lịch thay đổi dẫn đến thị trường khách thay đổi. Vài năm gần đây, cơ cấu khách lưu trú của Hội An đang dần chuyển dịch từ khách truyền thống châu Âu sang khách châu Á là một điều đáng phải tính toán lại về lợi hại.

Vùng ven các di sản cần nghiên cứu phát triển mô hình farmstay một cách bài bản để hút dòng khách truyền thống. Ảnh: Q.T
Vùng ven các di sản cần nghiên cứu phát triển mô hình farmstay một cách bài bản để hút dòng khách truyền thống. Ảnh: Q.T

* Vì đâu mà bình quân số ngày lưu trú của khách vẫn lẹt đẹt qua nhiều năm?

Ông Nguyễn Sơn Thủy: Ngoài các yếu tố chủ quan từ phía du khách thì tôi nghĩ rằng biến đổi khí hậu cũng là một yếu tố đáng quan ngại. Qua nhiều năm kinh nghiệm, thông thường các công ty lữ hành rất ngại giới thiệu khách đến Hội An cũng như Quảng Nam vào các tháng 10 - 11 cũng như mùa mưa bởi sợ ảnh hưởng của bão, ngập lụt. Việc sạt lở biển Cửa Đại cũng tác động không nhỏ đến cơ hội của các cơ sở lưu trú ở Cửa Đại, Cẩm Thanh trong thời gian gần đây và các khách đặt phòng online có xu hướng dồn về khu vực biển An Bàng.  

Năm nay khách tụt giảm từ tất cả kênh bán hàng như Walk-in, lữ hành đến online. Trước đây kênh bán hàng booking online được phát triển rất tốt, các hệ thống bán hàng online như Agoda, Booking, Expedia hầu như chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên gần đây thị trường online trở nên lộn xộn và thiếu chuyên nghiệp khi xuất hiện một loạt các mạng online khác. Ngoài ra, việc thiếu các sản phẩm độc đáo, hạn chế về kinh tế đêm khiến một bộ phận không nhỏ du khách chỉ xem đô thị cổ Hội An là điểm tham quan, mua sắm rồi nhanh chóng kết thúc chuyến đi.

* Như vậy Hội An đang đối diện với nguy cơ “khủng hoảng thừa” cơ sở lưu trú?

Ông Nguyễn Sơn Thủy: Nếu ví vòng đời của một sản phẩm có 4 giai đoạn gồm “hình thành, phát triển, bão hòa, suy thoái” thì hiện nay thị trường lưu trú Hội An đã đi vào giai đoạn bão hòa và bắt đầu đi xuống khi cung vượt cầu rõ rệt. Hiện nhiều khách sạn đang bỏ trống, công suất phòng xấp xỉ 50% trong thời gian dài là một điều đáng quan ngại bởi không ít trong số này đang âm thầm chịu lỗ. Khi một số khách sạn từ 100 - 300 phòng tiếp tục đi vào hoạt động vào năm 2020 tại địa phương như dự kiến thì nguy cơ đối diện với cuộc “khủng hoảng thừa” của Hội An ngày càng hiển hiện.

Một khi rơi vào thực trạng này, các cơ sở lưu trú quy mô nhỏ sẽ là đối tượng chịu tác động lớn nhất và đối mặt với nguy cơ đóng cửa bởi không đủ tài chính để duy trì vận hành. Ở Hội An trước đây có đặc thù là xã hội hóa cho người dân tham gia làm du lịch khiến một bộ phận người dân làm nông nghiệp tích cóp tiền bạc để đầu tư làm lưu trú. Ngày xưa mở cửa là có khách vào trong khi bây giờ “hẻo” khách buộc họ phải chật vật duy trì hoạt động một cách lay lắt.

* Liệu có giải pháp ngắn hạn để “làm mới” và xốc lại thực trạng này?

Ông Nguyễn Sơn Thủy: Trên thực tế để xốc lại thị trường lưu trú Hội An trong một thời gian ngắn là rất khó. Dòng khách truyền thống đến di sản Hội An từ châu Âu có dấu hiệu sụt giảm trong khi thông thường khách ở khu vực này có kế hoạch ít nhất từ một năm trở lên cho các chuyến du lịch. Việc chuyển hướng thu hút khách châu Á để thích ứng với cơ cấu đang có sự chuyển dịch thì Hội An sẽ gặp nhiều khó khăn bởi các đối thủ cạnh tranh trong khu vực miền Trung đã hình thành sản phẩm lưu trú phù hợp với dòng khách này từ lâu. Trước mắt, cần tập hợp, tìm tiếng nói chung của các cơ sở lưu trú và tung nhiều gói kích cầu, ưu đãi lớn một cách bài bản thì có thể mới cải thiện tình hình được.

* Ông có gợi ý nào để nhà đầu tư chớp lấy cơ hội trong giai đoạn hiện nay?

Ông Nguyễn Sơn Thủy: Thực tế dư địa phát triển của Hội An vẫn còn rộng mở, điều quan trọng là nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư với quy mô nhỏ cần quan sát thị trường khách cũng như tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới mà người khác chưa làm hoặc có nhiều trở ngại chưa triển khai được. Cái này gọi là chiến lược “đại dương xanh”, có nghĩa là chỗ nào nhiều người khác làm rồi (tức “đại dương đỏ”) thì mình đừng làm nữa. Những chỗ “đại dương xanh” khi mình đi tiên phong khai thác thì sẽ có rất ít đối thủ cạnh tranh, đến khi thị trường nhận ra, ồ ạt đầu tư vào khiến nó bão hòa thì chí ít mình cũng đã hoàn vốn và có nền tảng để tái đầu tư.

Theo góc nhìn của tôi, Hội An có cái dư thì dư rất nhiều nhưng cũng có những sản phẩm “đỏ mắt” tìm kiếm. Không nhất thiết phải cứ là lưu trú, những mảng như studio áo dài, quầy thuốc cổ truyền, nhà hàng cho khách Hồi giáo, nhà hàng buffet tôm hùm cho khách Đông Bắc Á… vẫn có nhiều cơ hội để đầu tư thành công.

* Đã đến lúc việc thu hút khách nội địa cần được chú trọng nhiều hơn?

Ông Nguyễn Sơn Thủy: Với dòng khách nội địa, thị trường mà Hội An cần tranh thủ kích cầu, khai thác chính là nhóm khách gia đình nghỉ dưỡng tại các biệt thự du lịch vào cuối tuần và các dịp lễ, tết. Cần phải xây dựng gói sản phẩm cụ thể cho nhóm khách gia đình, đừng để khách bối rối khi “book” phòng vì nhiễu loạn thông tin ngay từ lúc lên lịch. Cần định hình cho khách hàng nắm bắt được nếu đi lẻ theo gia đình thì ở phân khúc lưu trú này, đi theo đoàn nhiều người hơn thì ở phân khúc kia. Nhưng cũng cần nhìn thực tế là Hội An chưa có nhiều lợi thế nếu so với các địa phương trong khu vực duyên hải miền Trung, nếu muốn cải thiện việc thu hút thêm khách nội địa về phía mình.

* Ông có thể đánh giá một chút về tiềm năng, cơ hội phát triển loại hình farmstay ở Quảng Nam?

Ông Nguyễn Sơn Thủy: Đây là loại hình tương đối mới mẻ với địa phương. Sẽ rất tốt nếu phát triển được các mô hình farmstay vốn gắn với thiên nhiên, nông nghiệp và không tốn quá nhiều chi phí đầu tư ban đầu. Farmstay cực kỳ thích hợp với các khu vực trung du, đồi núi thấp ở Đại Lộc, Phú Ninh, Duy Xuyên… Khi đó người dân sẽ là chủ thể thực sự của các mô hình du lịch. Tất nhiên, vẫn rất cần sự quản trị, định hướng từ nhà quản lý chứ không thể để tự thị trường điều tiết, bởi hầu hết người nông dân khó lòng có năng lực triển khai du lịch một cách bài bản. Loại hình homestay tại Hội An từng là dòng sản phẩm đặc trưng của địa phương nhưng do phát triển ồ ạt nay đã đi chệch hướng là một bài học đắt giá.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

HÀ SẤU (thực hiện)