Đầu tư mạnh cho sản phẩm địa phương

NHÃ PHƯƠNG 27/12/2019 04:13

Ba năm qua, huyện Tiên Phước thực hiện khá hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP. Sở dĩ huyện này đạt được thành công lớn bước đầu là nhờ nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều khâu, nhất là chú trọng việc hỗ trợ cho các cá nhân, đơn vị.

Tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Nông dược xanh Tiên Phước. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG
Tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Nông dược xanh Tiên Phước. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Ông Hứa Đại Dương – Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất bánh tráng lề Địch Yên (xã Tiên Phong, Tiên Phước) cho biết, trước nhu cầu khá lớn của thị trường, đơn vị quyết định tăng sản lượng tiêu thụ hàng tháng từ 4 lên 8 tấn sản phẩm. “Để đạt được mục tiêu đó, hiện nay tổ hợp tác tập trung mở rộng cơ sở sản xuất và lắp đặt hệ thống máy sấy bánh công suất lớn với tổng kinh phí 883 triệu đồng. Nhờ đăng ký tham gia sản phẩm OCOP năm 2019 nên tổ hợp tác được UBND huyện Tiên Phước hỗ trợ sau đầu tư 278 triệu đồng” – ông Dương nói.

Theo ông Phùng Văn Huy – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, để triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, ngay từ khi có chủ trương của cấp trên, lãnh đạo huyện yêu cầu ngành liên quan và chính quyền các xã, thị trấn tập trung khảo sát, đánh giá, xác định cụ thể những sản phẩm có thế mạnh ở từng địa phương. Trên cơ sở đó, thiết lập bài bản kế hoạch thực hiện cũng như phương án hỗ trợ phù hợp cho các cá nhân, đơn vị về vấn đề phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở sản xuất – kinh doanh, lắp đặt hệ thống máy móc, đăng ký nhãn mác hàng hóa, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, UBND huyện phối hợp chặt chẽ với Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam thuê các chuyên gia đầu ngành về địa phương mở ít nhất 5 khóa tập huấn chu trình phát triển sản phẩm OCOP cho các cán bộ chuyên trách cấp xã và những cá nhân, đơn vị.

Theo ông Phùng Văn Huy, năm 2018 địa phương có 4 sản phẩm của 3 đơn vị được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, gồm rượu lòn bon của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Nhật Linh, tinh dầu sả và tinh dầu quế của Hợp tác xã Nông dược xanh Tiên Phước, tiêu Tiên Phước của Công ty TNHH Sơn Tiến. Ông Huy cho biết, năm 2018 UBND huyện Tiên Phước đã hỗ trợ cho 3 đơn vị vừa nêu với số tiền 598 triệu đồng để có điều kiện mở rộng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống máy móc, thiết kế bao bì – nhãn mác, đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch...

Năm 2019, Tiên Phước có 12 đơn vị đăng ký xây dựng 16 sản phẩm OCOP. Mới đây, tiến hành đánh giá, có 9 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 7 sản phẩm 3 sao cấp huyện. Hiện nay, UBND huyện Tiên Phước đang tiến hành thẩm định, giải ngân gần 3 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho các đơn vị thực hiện các khâu nâng cao hiệu quả sản xuất và thương hiệu sản phẩm.

“Theo kế hoạch, năm 2020 Tiên Phước sẽ tiếp tục hỗ trợ các cá nhân, đơn vị phát triển thêm 10 sản phẩm OCOP. Điều đáng mừng là, huyện vừa đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng hoàn thành Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ngay tại thị trấn Tiên Kỳ. Hiện giờ, trung tâm này đã được huyện giao cho một doanh nghiệp quản lý, khai thác và ngày 23.12 sắp tới sẽ đưa vào hoạt động một số hạng mục” – ông Huy nói.

NHÃ PHƯƠNG