Ngành điện đột phá cùng công nghệ số
Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý vận hành hệ thống lưới điện trong thời công nghệ số, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) nói chung và Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) nói riêng đã tạo những bước đột phá mới trên lộ trình số hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh và điều hành doanh nghiệp.
Hội nhập thời 4.0
Là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNCPC được đánh giá là một trong 5 tổng công ty phân phối điện thuộc EVN triển khai ứng dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản lý và kinh doanh điện năng. Với việc hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của 13 tỉnh/thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên… EVNCPC đã tạo bước đột phá lớn trên lộ trình số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cùng với việc hoàn thiện trang web chăm sóc khách hàng tại địa chỉ “http://cskh.cpc.vn” và các dịch vụ điện trực tuyến, EVNCPC còn đảm bảo hạ tầng mạng truyền dẫn năng lực mạnh, đáp ứng nhu cầu kết nối các hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin, hệ thống đo đếm, tự động hóa lưới điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và điều hành của toàn tổng công ty. EVNCPC cũng sử dụng thiết bị di động vào việc khảo sát, lập dự toán cấp điện mới cho khách hàng, cả việc thu tiền điện và gạch nợ online. Đồng thời đảm bảo triển khai đầy đủ ứng dụng phục vụ quản lý, hỗ trợ ra quyết định điều hành kinh doanh, chăm sóc khách hàng, tự động hóa lưới điện triển khai cho các đơn vị trong EVNCPC.
Trong 5 năm 2015 - 2019, sản lượng điện thương phẩm của EVNCPC tăng trưởng bình quân hằng năm 15%, gấp đôi mức tăng trưởng của nền kinh tế khu vực. Riêng năm 2019, điện năng thương phẩm toàn tổng công ty ước đạt hơn 19 tỷ kWh, công suất điện cung cấp đạt 3.172MW. Hệ thống lưới điện các cấp điện áp từ 110kV trở xuống đã vươn dài đến các địa phương, đã có 100% số huyện, 100% số xã đất liền và 99,17% số hộ nông thôn, miền núi được sử dụng điện lưới quốc gia, với tổng số 4,2 triệu khách hàng.
Nhằm giảm thiểu tỷ lệ điện dùng truyền tải, phân phối, EVNCPC đã thực hiện nhiều dự án cải tạo lưới điện các thành phố, thị xã bằng nguồn vốn của mình và nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế như WB, ADB, Sida, KfW... Đối với cấp điện cho các khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung, EVNCPC đã đầu tư cả hệ thống lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp cho các nhà máy, vừa giảm nhẹ gánh nặng của khách hàng, góp phần thu hút đầu tư vừa mang lại hiệu quả trực tiếp cho đơn vị. Với khu vực nông thôn, miền núi, EVNCPC đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển điện từ nhiều các vốn khác nhau nhằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân.
PC Quảng Nam đi tiên phong
Với phương châm “điện đi trước một bước” để tạo đà tăng trưởng kinh tế, PC Quảng Nam đặc biệt chú trọng công tác đầu tư, cải tạo hệ thống lưới điện, góp phần không nhỏ trong việc thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu tăng công suất, mở rộng sản xuất ở các khu du lịch, khu - cụm công nghiệp trên địa bàn Quảng Nam.
Trên lĩnh vực du lịch - dịch vụ, PC Quảng Nam đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng để cải tạo lưới điện cho TP.Tam Kỳ (dự án ADB) và Hội An (dự án JBIC). Hai di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn cùng nhiều khu du lịch ven biển cũng như các lễ hội tổ chức trên địa bàn tỉnh đã được cấp điện đầy đủ, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng và phát triển của ngành du lịch - dịch vụ.
Để kích hoạt tiềm năng và lợi thế vùng kinh tế, Quảng Nam đang xây dựng chiến lược phát triển vùng đông nam thông qua 6 nhóm dự án trọng điểm nhằm tạo sự thúc đẩy phát triển lan tỏa vùng. Riêng về hạ tầng điện, EVNCPC đã triển khai đầu tư 10 dự án lưới điện 110kV trên địa bàn Quảng Nam với tổng vốn 1.132 tỷ đồng.
Đến nay 3 dự án trạm biến áp (TBA) 110kV Thăng Bình (bao gồm cả nhánh rẽ; tổng mức đầu tư 136 tỷ đồng), TBA 110kV Tam Thăng (có cả đấu nối; tổng mức đầu tư 137 tỷ đồng) và TBA 110kV Tam Anh - Núi Thành (tổng kinh phí hơn 82 tỷ đồng) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhờ đó, PC Quảng Nam đã hoàn thiện sơ đồ kết lưới cơ bản với các TBA 110kV Tam Anh, Kỳ Hà, Tam Kỳ, Thăng Bình, Tam Thăng để giảm tổn thất truyền tải, đảm bảo vận hành theo tiêu chí N-1 (tiêu chí bảo đảm không sa thải phụ tải khi hệ thống điện bị sự cố hoặc hệ thống phải vận hành ngoài giới hạn kỹ thuật cho phép), cung ứng điện kịp thời cho các dự án đầu tư.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc PC Quảng Nam cho biết, trong những năm gần đây, đơn vị đã ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ thông tin, viễn thông và tăng cường hệ thống giám sát, điều khiển tự động cho lưới điện, hệ thống đo đếm từ xa; nâng độ tin cậy của lưới điện, khả năng dự báo nhu cầu phụ tải và lập kế hoạch cung cấp điện; khách hàng cũng chủ động quản lý thông tin chi tiết về sử dụng điện.
Bước đột phá mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành của PC Quảng Nam là đưa Trung tâm Điều khiển đi vào vận hành với nhiệm vụ theo dõi, giám sát tình hình cung cấp điện và điều khiển từ xa toàn bộ lưới điện ở các trạm 110kV và các thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung thế trên địa bàn Quảng Nam. Đối với các phụ tải thuộc khu - cụm công nghiệp, trên cơ sở tốc độ tăng trưởng phụ tải, đơn vị sẽ từng bước tách ra khỏi lưới điện dân sinh nhằm đảm bảo cho khách hàng sản xuất công nghiệp nhận được chất lượng điện tốt hơn.
“Những năm đến, PC Quảng Nam sẽ tập trung mọi nguồn lực, vốn để phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện, đáp ứng nhu cầu về điện cho các dự án trọng điểm ở vùng đông nam của tỉnh. Cụ thể, PC Quảng Nam tập trung ưu tiên đầu tư cung ứng điện cho các dự án vùng ven biển từ Hội An đến Núi Thành được dự báo có tốc độ phát triển nhanh” - ông Tuấn cho hay.