Tìm cách bình ổn thị trường thịt heo
Nhiều phương án nhằm bình ổn thị trường trong thời gian cao điểm chuẩn bị Tết Nguyên đán đang được các sở ngành tính toán. Trong đó, mối quan tâm lớn nhất vẫn là nguồn cung ứng thịt heo vào dịp tết, đảm bảo nhu cầu của người dân.
Hậu quả của dịch
Tính đến nay, Quảng Nam đã tiêu hủy gần 150 nghìn con heo mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) với tổng trọng lượng hơn 8.900 tấn. Hiện tại, toàn tỉnh vẫn còn 15 huyện, thị xã, thành phố có DTLCP chưa qua 30 ngày. DTLCP bùng phát từ năm 2018 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung và giá thịt. Theo dự báo từ Hiệp hội Chăn nuôi quốc gia, nguồn cung thịt heo các tháng cuối năm của cả nước thiếu hụt khoảng 200.000 tấn. Trong khi đó, tình trạng đưa heo “vượt biên” qua Trung Quốc vẫn còn tiếp diễn sẽ khiến giá thịt tăng cao hơn.
Tại Quảng Nam, theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện tổng đàn heo đã giảm 30%. Trong khi đó, theo công bố mới đây của Bộ NN&PTNT, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1%, trong số này, sản lượng thịt heo giảm 380 nghìn tấn, tương đương 9 - 10% so với năm 2018. “Theo dự báo, do tình hình DTLCP, Quảng Nam bị thiệt hại hơn 30% tổng đàn. Nhận định có khả năng trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến, việc cung ứng thịt heo sẽ gặp nhiều khó khăn” - ông Ngô Tấn nói.
Thời điểm này, giá heo hơi đã ở mức 95 nghìn đồng/kg. Giá heo thành phẩm tại các chợ truyền thống dao động từ 180 - 200 nghìn đồng/kg. Không chỉ giá cả tăng, DTLCP khiến các trang trại chăn nuôi trên địa bàn khốn đốn. Ông Võ Đại Sơn - Giám đốc HTX Duy Đại Sơn cho biết, HTX bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì DTLCP. “Đầu tiên là giá heo xuống thấp, dưới giá sản xuất khiến các tổ hợp tác và HTX bị thua lỗ ở những tháng mới phát sinh dịch bệnh. Đặc biệt nghiêm trọng là các tổ hợp tác bị DTLCP tấn công đàn heo, phải tiêu hủy hàng ngàn con và nợ HTX chúng tôi hàng tỷ đồng. Hiện tại HTX phải thu hẹp quy mô sản xuất, cơ cấu lại ngành chăn nuôi. Chúng tôi phải liên hệ trực tiếp với nhà sản xuất bột, thức ăn chăn nuôi, không mua của đại lý vì sợ dịch bệnh. Vì vậy nguồn vốn bị giảm sâu, không thể duy trì số lượng đàn như mong đợi. Hiện tại, giá lên thì nguồn heo lại không đủ cung ứng” - ông Võ Đại Sơn nói.
Giải pháp thay thế
Ngành nông nghiệp tỉnh đang tính đến việc chuyển đổi cơ cấu về cung ứng thịt ra thị trường vào những tháng cuối năm. “Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh phối hợp cùng các ngành liên quan để giải quyết một số vấn đề cụ thể. Riêng nội bộ ngành sẽ chuyển đổi cơ cấu về cung ứng thịt, từ thịt heo sang thịt gia cầm và gia súc, cũng như chuyển qua những đối tượng khác” - ông Ngô Tấn nói.
Theo đó, hiện nay tổng đàn gia cầm của Quảng Nam đã tăng từ 12 - 15%, đặc biệt là tăng lượng thịt gà để cung ứng ra thị trường. Theo ông Tấn, đối với thịt heo, ngành sẽ nắm bắt số lượng hiện nay nằm trong các trang trại, chủ nuôi để động viên, vận động họ cung ứng cho thị trường kịp thời trong dịp Tết Nguyên đán, hạn chế sức nóng của thị trường. Bên cạnh đó, ngành vận động các doanh nghiệp nằm trong chuỗi tiêu thụ và cung ứng nông sản an toàn có giải pháp liên kết với các doanh nghiệp khác ở các tỉnh bạn để đủ lượng thịt heo cung ứng cho người tiêu dùng.
Mặc dù việc giảm nguồn cung thịt heo đã được bù đắp một phần từ các loại thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò, thủy sản và nguồn nhập khẩu tăng nhưng nhìn chung theo tập quán tiêu dùng của người Việt, nhu cầu thịt heo vào dịp tết vẫn cao. Được biết, ngay từ tuần cuối của tháng 11 âm lịch, giá thịt gà và các loại khác cũng đã bắt đầu tăng. Chị Nguyễn Thị Thùy - tiểu thương tại chợ Thương mại TP.Tam Kỳ cho biết, mặt bằng chung thực phẩm đã bắt đầu tăng, trong đó giá gà sống đã tăng từ 5 - 7 nghìn đồng/kg. Do đó, cân đối cung cầu các mặt hàng thực phẩm tươi sống từ nay đến Tết Nguyên đán còn nhiều vấn đề cần được quan tâm xử lý, trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc tăng cao của giá thịt heo. Ở góc độ cung ứng, bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.op Mart Tam Kỳ cho biết, đơn vị đang tính toán, xúc tiến làm việc cùng Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) để huy động tổng lượng hàng dịch chuyển về Quảng Nam, đảm bảo nhu cầu mua sắm dịp tết cho người dân.
Để hạn chế tình trạng “té nước theo mưa”, theo ngành nông nghiệp tỉnh, cần có sự chung tay của cả ngành nông nghiệp và công thương trong sản xuất, lưu thông, bình ổn giá, trong đó ưu tiên bình ổn giá cho mặt hàng thịt heo. Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng thịt heo chủ động nguồn hàng dự trữ, đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc gián đoạn nguồn cung. Đồng thời sẽ triển khai các điểm bán hàng bình ổn nhằm dẫn dắt thị trường, tạo tâm lý ổn định cho thị trường các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt heo.