Vào mùa làm bánh tết

NHƯ TRANG 12/12/2019 11:11

Còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý, hiện nay tại các lò làm bánh truyền thống đã bắt đầu chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường. Thế mạnh của các cơ sở làm bánh này chính là cách làm giữ trọn vẹn hương vị tết xưa, vốn quen thuộc với người tiêu dùng.

Cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Ly (tại xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) vào mùa làm bánh tết. ảnh: N.Trang
Cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Ly (tại xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) vào mùa làm bánh tết. Ảnh: N.Trang

Đến cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Ly (tại thôn Triêm Đông, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn), chúng tôi cảm nhận rất rõ không khí chộn rộn, tất bật của những người thợ làm bánh khô mè. Từng đôi tay khéo léo cứ đều nhịp nhồi bột, ra khuôn bánh, nướng bánh, nấu đường, tắm mè và xếp bánh thành phẩm.

Được biết, mỗi năm vào vụ làm bánh phục vụ thị trường tết, cơ sở bánh khô mè Bà Ly xuất bán từ 8.000 - 15.000 gói bánh. Dù cho thị trường bánh mứt nhập khẩu đa dạng và phong phú, nhưng bánh khô mè truyền thống thương hiệu Bà Ly vẫn được nhiều người mua làm quà biếu tết. Không chỉ cung ứng cho thị trường các huyện, thành phố trong tỉnh, cơ sở bánh khô mè Bà Ly còn cung ứng cho những đối tác ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP.Hồ Chí Minh…

Chị Phan Thị Ly - chủ cơ sở bánh khô mè Bà Ly, chia sẻ: “Ngày thường, cơ sở của tôi chỉ có 7 lao động, vào vụ làm bánh tết thì tôi tuyển thêm gấp đôi mới kịp làm hàng. Hiện tại, tôi cũng đang đầu tư thay đổi mẫu mã bao bì và cải tiến hình thức để thu hút khách hàng. Hy vọng khô mè Bà Ly sẽ được nhiều người tin dùng”.

Tại làng nghề làm bánh in An Lạc (tại xã Duy Thành, Duy Xuyên), đây cũng là thời điểm hơn 20 hộ bắt tay vào việc nhập bột nếp, đường, đậu xanh để làm nên những chiếc bánh in thơm ngon, đậm đà hương vị tết cổ truyền. Khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào được chăm chút rất kỹ nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không bị lẫn lộn hàng hóa các nơi khác, có như thế người làm bánh mới tạo ra hương vị đặc trưng. Những năm trước, phần lớn các hộ đều sấy bánh bằng than, nhưng nay chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại như máy sấy để sấy bánh chín đều và tiết kiệm thời gian.

Ông Huỳnh Quang Trung (hộ làm bánh ở thôn An Lạc) cho biết: “Nay chúng tôi đã bắt đầu nhận đơn hàng và lên kế hoạch tăng ca cho nhân công. Dự tính đơn hàng tết của tôi dao động từ 2,5 đến 4 tấn bánh đậu xanh. Dù hàng hóa ngày càng đa dạng, nhưng nhiều người vẫn thích hương vị bánh cổ truyền”.

Bà Lê Thị Hương - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Duy Thành, cho hay: “Đây là mùa người dân An Lạc bận rộn, đi ngang qua thôn này luôn nghe mùi bánh thơm lừng. Chị em phụ nữ các thôn khác cũng tìm về đây để xin việc làm thời vụ từ nay cho đến tết, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình”.

Tại TP.Hội An, nhiều người trưng bày bánh đậu xanh, bánh khô mè ở khắp nẻo chợ cho đến cửa tiệm trong khu phố cổ. Bà Nguyễn Thị Sáu - chủ tiệm bánh ở khu vực chợ Hội An chia sẻ: “Chúng tôi đang chuẩn bị và nhận đơn đặt hàng bánh phục vụ nhu cầu mua sắm tết của khách hàng và khách nước ngoài. Không chỉ chú trọng chất lượng bánh, tôi còn phải chú ý nâng cao hình thức của bánh sao cho bắt mắt dễ thu hút khách hàng”.

NHƯ TRANG