Rộng cửa cho hàng địa phương
Các siêu thị, cửa hàng, chuỗi bán lẻ đang kích cầu tiêu dùng bằng nhiều hoạt động, trong đó, sản phẩm của người dân địa phương được người tiêu dùng khá quan tâm.
Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, hiện nay, Co.opMart Tam Kỳ đã đưa vào siêu thị một số sản phẩm địa phương như dầu Bảo Tâm, bánh tráng Đại Lộc, nước mắm Ngọc Lan, bánh dừa Bảo Linh, gà Mười Tín, trứng gà Văn Học, rau sạch Trường Xuân, rau của HTX Thực phẩm sạch Phú Ninh...
Thu hút người tiêu dùng
Từ Tam Kỳ muốn mang ít quà đặc sản vào tặng bạn bè, anh Huỳnh Thanh Hải tìm đến Co.opMart Tam Kỳ với hy vọng có thể mua được một ít đặc sản của Quảng Nam. Lựa chọn bánh dừa nướng Bảo Linh và bánh tráng Đại Lộc vì tính tiện dụng, dễ mang đi đường xa, anh Huỳnh Thanh Hải cho biết hoàn toàn hài lòng với các sản phẩm này. Không chỉ vậy, với những người đang sinh sống tại Tam Kỳ, muốn mua sản phẩm địa phương đảm bảo chất lượng, có thương hiệu thì Co.opMart Tam Kỳ gần như là lựa chọn đầu tiên. Bà Trần Thị Như Lai chia sẻ, sức thu hút người tiêu dùng từ dòng sản phẩm của địa phương khá cao. Doanh thu của các sản phẩm như gà Mười Tín, trứng gà Văn Học hằng năm đều đạt gần 1,5 tỷ đồng trở lên.
Các sản phẩm truyền thống của địa phương được đưa vào siêu thị Co.opMart đều đã có sức bán ra ổn định. Cạnh đó, một số sản phẩm như bánh in Núi Thành, bò khô Tam Xuân... đang được bày bán tại một số mini-mart trên địa bàn Tam Kỳ nhận được khá nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng. Đại diện một cửa hàng thực phẩm sạch tại Tam Kỳ cho biết, tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp tùy thuộc theo đặc tính của từng loại hàng hóa, ví dụ như đối với thực phẩm thì dựa trên các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng và vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó là các vấn đề về giấy tờ thủ tục, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm…
Xu hướng chung của người tiêu dùng đang quay trở lại với những sản phẩm được làm ra từ địa phương, với nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chính vì vậy, sức thu hút của các loại hàng hóa đặc hữu địa phương đang tăng lên từng ngày. Nắm bắt được tâm lý này, các hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh muốn cung ứng hàng, như giảm chiết khấu, tăng thời gian mã hàng từ 3-6 tháng, hỗ trợ quảng bá, cùng phối hợp với hiệp hội ngành hàng hướng dẫn, huấn luyện cho các doanh nghiệp về thủ tục, xây dựng nhãn hiệu.
Bà Trần Thị Như Lai nói thêm, Liên hiệp HTX Thương mại TP.Hồ Chí Minh (SaiGonCo.op) trong suốt nhiều năm gắn kết và triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, SaiGonCo.op luôn ưu tiên hàng Việt thông qua chính sách thu mua đến trưng bày quảng bá, duy trì tỷ lệ hàng Việt ổn định hơn 90% trong hệ thống bán lẻ của mình. Riêng tại Co.opMart Tam Kỳ, siêu thị đang hướng dẫn thêm các chủ thể của sản phẩm OCOP mong muốn đưa hàng vào siêu thị làm các thủ tục, hồ sơ.
“Bên Co.opMart có bộ phận kinh doanh cũng như bộ phận quản lý chất lượng sẽ hướng dẫn bà con đem giới thiệu sản phẩm của mình. Trước tiên chúng tôi sẽ ký hợp đồng tự doanh đối với Co.opMart Tam Kỳ và tiến hành cấp mã sản phẩm” - bà Lai chia sẻ.
Doanh nghiệp tự cải thiện sản phẩm
Không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng đưa sản phẩm vào chuỗi, hệ thống phân phối, siêu thị lớn. Lý do đầu tiên là chất lượng, sau đó là thương hiệu hàng hóa chưa đủ tầm để được đưa vào mạng lưới phân phối. Chất lượng, mẫu mã cũng như tính ổn định của sản phẩm chính là những hạn chế để sản phẩm khó vào được các kênh phân phối chuyên nghiệp. Thực tế ở thị trường trong nước, trong khi các doanh nghiệp lớn và có thương hiệu dễ dàng đưa hàng vào siêu thị thì những doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ có rất ít cơ hội tiếp cận thành công các kênh bán lẻ hiện đại. Trung bình, chỉ khoảng 5% doanh nghiệp đến chào hàng được chọn làm nhà cung cấp.
Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại và quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Quảng Nam cần có sự chuẩn bị chu đáo về cách trình bày sản phẩm của mình, làm rõ nguồn gốc xuất xứ, đầy đủ hóa đơn giá trị gia tăng cũng như nghiên cứu thị trường để điều chỉnh sản phẩm, thay đổi bao bì, nhãn mác phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Theo bà Trần Thị Như Lai, thời gian gần đây, các sản phẩm xuất xứ Quảng Nam đã chú trọng hơn về mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu, ngành hàng. “Có thể nói các yếu tố này đang được các doanh nghiệp, chủ cơ sở hoàn thiện dần, mang tính chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên về giá thành sản phẩm, đa số các sản phẩm giá còn khá cao. Vì vậy, phải làm sao để giá thành sản phẩm ở mức chấp nhận được, cũng như các sở ngành cần tạo điều kiện để hỗ trợ bà con tiếp tục quảng bá sản phẩm vùng miền, sản phẩm đặc trưng của mỗi xã đến với người tiêu dùng, trước mắt là người tiêu dùng trong tỉnh” - bà Lai nói. Khi người tiêu dùng đã biết đến tên gọi, chất lượng sản phẩm thì việc lựa chọn mua hàng lâu dài là điều tất yếu. Khi đó, sản phẩm đưa vào siêu thị cũng trở nên dễ dàng hơn.
Anh Phạm Văn Huệ - Giám đốc HTX sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm cho biết, khi sản phẩm của mình được bày bán tại siêu thị, thì cũng đồng nghĩa chất lượng của sản phẩm đã được xác nhận. Điều này dễ tạo niềm tin ở người tiêu dùng hơn bất cứ kênh quảng bá nào. Khi một sản phẩm lên quầy của một siêu thị, cửa hàng, chuỗi phân phối lớn, thì tất nhiên, chất lượng, mẫu mã, độ an toàn thực phẩm đã được sự sàng lọc đầu vào từ các nhà bán lẻ. Do đó, việc đưa hàng vào siêu thị chính là kênh quảng bá thương hiệu và sản phẩm đến người tiêu dùng một cách hiệu quả...