Tem truy xuất sản phẩm làng nghề

LỮ ĐINH HÀ MY 30/11/2019 11:00

Đối với hàng hóa trên thị trường, mã vạch dài hay còn gọi là mã tem BARCODE thường được sử dụng để được phân biệt hàng có xuất xứ và không có xuất xứ, người tiêu dùng nếu không lưu tâm thì sẽ dẫn đến việc mua phải hàng giả rất nhiều. Tuy nhiên, mã vạch dài giờ đây cũng bị làm giả dễ dàng, độ bảo mật không cao. Với việc ứng dụng mã vạch vuông, còn gọi là mã tem QRCODE sẽ giúp bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn và nhiều tính năng lưu trữ thông tin ưu việt hơn.

Ông Dương Ngọc Sang giới thiệu sản phẩm đồng. Ảnh: PHÚC HOÀNG
Ông Dương Ngọc Sang giới thiệu sản phẩm đồng. Ảnh: PHÚC HOÀNG

Ông Dương Ngọc Sang (84 tuổi, làng đúc đồng Phước Kiều, thị xã Điện Bàn) vốn tiếp xúc với nghề đúc đồng từ năm 14 tuổi. Sau 70 năm theo nghề, năm 1986 ông được công nhận nghệ nhân làng nghề đúc đồng Phước Kiều. Nặng lòng ông trăn trở, nghề đúc đồng đang đứng trước nguy cơ mai một, vẫn chưa có một hội nghề nghiệp đúng nghĩa, và vì mạnh ai nấy làm, vì lợi ích kinh tế mà nhiều sản phẩm giả mạo xuất xứ làng nghề đúc đồng nổi tiếng hơn 400 năm ông cha để lại.

Khi Sở KH&CN Quảng Nam phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn tổ chức tập huấn về sử dụng tem truy xuất theo mã QRCODE, ông Sang và các nghệ nhân trong làng hết sức phấn khởi. Nghệ nhân Dương Ngọc Sang chia sẻ: “Sở KH&CN làm được điều này rất quý, ví dụ như mấy người gian thương, họ mua đồ Sài Gòn về nói đồ của mình. Bây giờ, nếu sản phẩm không có nhãn hiệu, không có con tem đó thì không phải đồ đồng Phước Kiều, tôi rất vui”.

Còn chị Trần Thục Nhi - Quản lý quán Bê thui Mười (Điện Phương, Điện Bàn) cho biết: “Mã quét càng ưu việt thì doanh nghiệp càng cung cấp nhiều thông tin cho nhà quản lý để tạo nên thương hiệu. Qua mã quét chỉ cần dùng thiết bị thông minh sẽ giúp cho khách hàng biết được quán mình ở địa chỉ nào, chất lượng phục vụ và chất lượng thức ăn như thế nào. Nhờ vậy thương hiệu Bê thui Mười được lan tỏa càng rộng”.

Năm 2019, Đúc đồng Phước Kiều, Bê thui Cầu Móng, Gạo quê Phong Thử hay làng bánh tráng Phú Triêm là 4 trong số 13 sản phẩm làng nghề đặc trưng được UBND tỉnh giao Sở KHCN thúc đẩy chương trình “Tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam (2016-2020)”. Phần lớn nhãn hiệu tập thể đã được cấp cho các sản phẩm làng nghề, thế nhưng hiện nay bà con nhận thức về nhãn hiệu chưa sâu, trong khi đây là cơ sở phân biệt được sản phẩm của cơ sở hộ kinh doanh có uy tín, nguồn gốc rõ ràng... 

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn nói: “Trong thời đại công nghệ 4.0, việc áp dụng công nghệ mã QRCODE qua các thiết bị thông minh ngày một phổ biến thì chúng tôi cũng tuyên truyền cho người dân biết cách thức quét tra thông tin để biết được chất lượng và nguồn gốc sản phẩm để tin tưởng mua hàng”.

Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết thêm: “Lâu nay các doanh nghiệp chỉ dùng mã dài (BARCODE), hầu hết mã này chỉ sử dụng một chiều, chỉ có thông tin về doanh nghiệp. Còn đối với mã vuông (QRCODE) gọi là mã 2 chiều, tất cả thông tin quảng bá của doanh nghiệp được tích hợp tại đây, có thể hiểu là một website thu nhỏ, nó có mọi thứ từ thông tin doanh nghiệp, bao bì nhãn mác, số lô sản xuất, ngày sản xuất, video, bản đồ vùng trồng nguyên liệu, địa chỉ tọa lạc...”.

Với mục đích giúp người dân tiếp cận công nghệ dễ dàng, một hệ thống tem vuông rất đơn giản và thuận lợi được phát triển, doanh nghiệp chỉ cần dán con tem lên sản phẩm của mình và cung cấp thông tin lên website cho đơn vị cung cấp tài khoản thì có thể cập nhật, quét trên bất kỳ thiết bị thông minh nào có mã QRCODE trên thị trường hiện nay. Điều này sẽ giúp người dân thay đổi thói quen mua hàng, quan tâm đến nhãn mác, mã vạch đồng thời nhắc nhở chính cơ sở sản xuất của mình không chủ quan khi cung cấp sản phẩm ra thị trường, làm ăn chân chính và giữ được tinh túy của các sản phẩm làng nghề xứ Quảng cho hôm nay và mai sau.

LỮ ĐINH HÀ MY