Tiên Phước nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

PHẠM HOÀNG 18/11/2019 13:42

Phát huy kết quả là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng sản phẩm được xếp hạng cao trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2018 với 4 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, năm 2019 Tiên Phước tập trung chọn ra được 12 chủ thể, 16 sản phẩm đáp ứng yêu cầu, từng bước nâng cao chất lượng, sẵn sàng tham gia đánh giá, xếp hạng.

Trung tâm OCOP huyện Tiên Phước đang được khẩn trương hoàn thiện, đưa vào hoạt động vào cuối tháng 11 này, nhằm quảng bá, phân phối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản địa phương. Ảnh: P.H
Trung tâm OCOP huyện Tiên Phước đang được khẩn trương hoàn thiện, đưa vào hoạt động vào cuối tháng 11 này, nhằm quảng bá, phân phối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản địa phương. Ảnh: P.H

Hỗ trợ chủ thể

Xưởng sản xuất bánh tráng lề Địch Yên của vợ chồng chị Bùi Thị Kim Loan, ở tại thôn Địch Yên, xã Tiên Phong, là đơn vị đầu tiên của xã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP năm nay. Năm 2018, qua học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, vợ chồng chị Loan mạnh dạn đầu tư 350 triệu đồng mua máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng và tiến hành sản xuất bánh tráng lề.

Vượt qua những khó khăn ban đầu do chưa có kinh nghiệm, đến nay, bình quân mỗi tháng xưởng bánh tráng lề của chị sản xuất hơn 4 tấn sản phẩm, tạo doanh thu hơn 100 triệu đồng. Năm 2019, được sự động viên hỗ trợ của huyện và xã, vợ chồng chị đăng ký tham gia chương trình OCOP và được huyện hỗ trợ hơn 250 triệu đồng mua thêm máy sấy phục vụ sản xuất trong mùa mưa; được cán bộ chuyên trách OCOP của huyện hướng dẫn hoàn thiện sản phẩm và xây dựng hồ sơ, thủ tục theo quy định.

Chị Bùi Thị Kim Loan chia sẻ: “Nhờ sự giúp đỡ tận tình từ cán bộ chuyên môn của huyện, xã, đến nay tôi đã cơ bản hoàn thành hồ sơ theo quy định. Hơn nữa từ nguồn hỗ trợ của huyện, tôi có thêm điều kiện mua máy móc thiết bị để mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”. Hiện xưởng sản xuất bánh tráng lề của vợ chồng chị Loan giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động tại địa phương với mức thu nhập mỗi người từ 160.000 đến 180.000 đồng/ngày.

Không riêng cơ sở sản xuất của chị Loan, huyện Tiên Phước cũng hỗ trợ 12/12 chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2019 với tổng kinh phí gần 2,4 tỷ đồng và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các chủ thể trong việc hoàn thiện sản phẩm cũng như hồ sơ, thủ tục.

Ông Lê Văn Phụng - Trưởng phòng NN&PTNT, Phó ban thường trực Chương trình OCOP huyện cho biết: “Ngay từ đầu năm, huyện ban hành kế hoạch, tổ chức họp tuyên truyền cho nhân dân và các chủ thể. Cùng với việc phân công cán bộ tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho từng chủ thể, huyện cũng phân công các ngành, tổ giúp việc phụ trách từng nội dung để hướng dẫn các xã xây dựng dự án phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị và theo hướng khai thác thế mạnh sản phẩm của địa phương, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP”.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên huyện tổ chức ngày hội khởi nghiệp, qua đó lồng ghép trưng bày hơn 50 sản phẩm và chấm chọn 25 sản phẩm tiền OCOP; tổ chức trưng bày sản phẩm OCOP và tiền OCOP tại “Hội làng Lộc Yên” năm 2019 với hơn 90 sản phẩm nhằm quảng bá chương trình OCOP trong nhân dân và đưa các sản phẩm đặc trưng của huyện đến với du khách.

Nâng chất lượng sản phẩm

Sự hỗ trợ tích cực của huyện là cơ sở để các chủ thể có thêm điều kiện đầu tư vừa mở rộng sản xuất vừa nâng cao chất lượng sản phẩm. Cơ sở sản xuất rượu nếp của ông Võ Linh Hoạt, ở thôn Hữu Lâm, thị trấn Tiên Kỳ trước đây chỉ sản xuất nhỏ lẻ, sau đó dù mở rộng sản xuất nhưng cũng chỉ dừng lại ở kiểu thủ công truyền thống, chất lượng không cao.

Đầu năm 2019, qua tuyên truyền vận động của huyện, ông đã tham gia chương trình OCOP và mạnh dạn đầu tư mua máy móc thiết bị với tổng số tiền trên 120 triệu đồng. Ông Hoạt cho hay: “Giờ đây mọi công đoạn sản xuất đều thực hiện bằng máy nhanh gọn, đảm bảo vệ sinh. Tôi cũng đã mua được một máy chiết lọc để loại bỏ các tạp chất làm cho rượu tinh khiết hơn. Nhờ đó, khi đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm chất lượng đều đạt các chỉ tiêu theo quy định ngay trong lần đầu tiên”.

Ông Trần Đình Thông, chuyên viên phụ trách OCOP, Phòng NN&PTNT Tiên Phước thông tin thêm: “Quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP được quy định rất chặt chẽ, trong đó các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Vì vậy trong quá trình tư vấn, hỗ trợ các chủ thể, chúng tôi luôn khuyến cáo bà con quan tâm cải tiến quy trình sản xuất, mạnh dạn mua sắm các máy móc hiện đại thay cho cách làm thủ công vừa hạn chế về năng suất mà nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt nguyên liệu đầu vào bắt buộc phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ. Nhờ đó, đến thời điểm này toàn bộ sản phẩm nhóm thực phẩm, đồ uống tham gia chương trình năm 2019 của huyện đều đã được kiểm nghiệm đạt các chỉ tiêu theo yêu cầu. Hiện các chủ thể đang khẩn trương hoàn tất các khâu cuối cùng để tham gia đánh giá, phân hạng cấp huyện vào cuối tháng 11 này”.

PHẠM HOÀNG