Hiệu quả máy sấy dừa tự động

VIỆT NGUYỄN 12/11/2019 10:36

Mô hình trình diễn kỹ thuật sấy cơm dừa bằng máy sấy tự động được Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) triển khai ở Hợp tác xã Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm (33 Nguyễn Huy Chương, phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) đã cho thấy tính thiết thực.

Nhờ sấy cơm dừa bằng máy sấy tự động, sản xuất dầu dừa của Hợp tác xã Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm thuận lợi hơn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nhờ sấy cơm dừa bằng máy sấy tự động, sản xuất dầu dừa của Hợp tác xã Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm thuận lợi hơn. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Hiệu quả

Cuối tuần qua, Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu nghiệm thu, bàn giao máy sấy dừa tự động đến anh Phạm Văn Huệ - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm. Anh Huệ cho biết, đầu tư máy sấy cơm dừa tự động có giá trị gần 60 triệu đồng, được cơ quan nhà nước hỗ trợ 30% chi phí. “Mỗi tháng, chúng tôi sản xuất, cung cấp ra thị trường gần 100 lít dầu dừa nguyên chất. Những năm trước, hầu như chúng tôi chỉ có thể sản xuất dầu dừa được vào mùa nắng, còn mùa mưa không thể phơi khô cơm dừa nên rất hạn chế. Trong năm nay, được Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí nên tôi sản xuất dầu dừa rất thuận lợi. Nhờ năng suất tốt, sản phẩm cung ứng ra thị trường nhiều hơn nên hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn” - anh Huệ nói. Theo anh Huệ, sẽ huy động vốn để tiếp tục đầu tư thêm máy sấy cơm dừa tự động; qua đó nâng cao sản lượng sản phẩm dầu dừa thu được, khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh.

Theo biên bản nghiệm thu, bàn giao máy sấy cơm dừa tự động, các yêu cầu, nội dung của mô hình trình diễn kỹ thuật đã đạt được nhiều hiệu quả. Theo đó, đơn vị thụ hưởng đã hoàn thành xây dựng các hạng mục như nguồn điện cung cấp máy sấy, nhà xưởng phục vụ máy sấy cơm dừa tự động hoạt động. Trung tâm Khuyến công  - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu đã phối hợp đơn vị thụ hưởng, nhà thầu hoàn thành việc mua sắm, lắp đặt hệ thống thiết bị sấy cơm dừa tự động mới hoàn toàn với công suất 50kg/mẻ sấy. Sau quá trình thử nghiệm từ tháng 7 đến nay, máy sấy cơm dừa tự động đã vận hành tốt, đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, ngành chức năng đã tổ chức hội nghị trình diễn kỹ thuật sản xuất sấy cơm dừa tự động và thu được nhiều ý kiến nên nhân rộng mô hình trong thời gian đến. “Sau khi mô hình trình diễn được nghiệm thu, bàn giao, đơn vị thụ hưởng sẽ sản xuất tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người lao động. Mục đích của mô hình đã đạt được là tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, tạo ra sản phẩm chất lượng cung cấp cho thị trường, đem lại giá trị sản xuất lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu nói.

Sẽ nhân rộng

Để phục vụ sản xuất nhiều loại bánh dừa, anh Phan Đình Tuấn - chủ cơ sở sản xuất bánh dừa Bảo Linh (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) đã sử dụng 2 máy sấy cơm dừa tự động. Mỗi ngày, cơ sở đã sấy khô được 200kg cơm dừa để sản xuất được hàng trăm ký bánh dừa chất lượng, đủ cung ứng theo các đơn hàng đã ký với đối tác trong và ngoài tỉnh. “Mùa mưa kéo dài, sản xuất bánh dừa rất khó khăn. Chỉ cần không đủ sản phẩm cung ứng theo hợp đồng đã ký là đối tác sẽ loại bỏ mình ra khỏi cuộc kinh doanh ngay. Tôi ứng dụng máy sấy cơm dừa tự động, ngoài sấy khô cơm dừa còn có thể sấy khô các loại bánh sau khi sản xuất được. Ứng dụng công nghệ mới là điều kiện vô cùng quan trọng để phục vụ sản xuất các loại bánh dừa chất lượng” - anh Tuấn nói. Theo anh Tuấn, từ khi bán bánh dừa qua thương mại điện tử, các đơn hàng, hợp đồng mua bán ngày càng nhiều. Bởi vậy, để đảm bảo năng suất, sản lượng các loại bánh dừa, sẽ đầu tư thêm máy sấy cơm dừa tự động với nhiều ngăn, tăng công suất cơm dừa, bánh dừa được sấy khô sau mỗi mẻ. 

Ông Đinh Văn Phúc cho biết, sẽ nhân rộng mô hình trình diễn kỹ thuật sấy cơm dừa bằng máy sấy tự động đến các làng nghề, các hợp tác xã, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mục đích thiết thực là đảm bảo việc sản xuất các sản phẩm từ dừa trong mùa mưa kéo dài. Nhân rộng mô hình sấy cơm dừa bằng máy tự động là nội dung khuyến công quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm từ dừa. Một khi khai phóng được tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm chế biến từ dừa thì sẽ tăng cạnh tranh, đem lại giá trị kinh tế lớn cho các nhà sản xuất theo hướng bền vững, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp nông thôn.

VIỆT NGUYỄN