Bất cập kiểm dịch, thị trường thịt heo ảm đạm
Thịt heo thiếu dấu kiểm dịch khi bán trên thị trường là một trong những nguyên nhân khiến cho người tiêu dùng “ngó lơ”. Trong khi đó, công tác kiểm soát giết mổ, đóng dấu kiểm dịch ở nhiều địa phương đang gặp khó.
Ế ẩm kéo dài
Hầu hết tiểu thương trên địa bàn tỉnh đều than thở thịt heo rất khó bán. Chị Nguyễn Thị Yến - tiểu thương bán thịt heo ở chợ Hà Lam (Thăng Bình) cho biết, chị mua thịt heo từ nguồn bảo đảm chất lượng, an toàn để bán ở chợ. Buôn bán lâu năm ở chợ, tiểu thương đều muốn gìn giữ uy tín nên rất cẩn trọng trong khâu đầu vào, thịt heo phải đảm bảo tươi ngon. Tuy kiểm soát chặt chẽ đầu vào thịt heo thế nhưng đã mấy tháng qua kể từ khi bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi, người tiêu dùng vẫn còn mang tâm lý e ngại nên sức mua giảm quá mạnh. Cùng tâm trạng trên, bà Hoàng Thanh Thủy - tiểu thương bán thịt heo ở chợ Hội An cho biết: “Heo bị dịch trên địa bàn đã được các cơ quan chức năng thu gom, tiêu hủy, không thể lọt vào các lò giết mổ tập trung được nên thịt heo bán ở chợ là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Người tiêu dùng không nên có tâm lý lo sợ khi mua thịt heo về dùng. Người dân quay lưng với thịt heo đã khiến cho những người buôn bán thịt heo gặp quá nhiều khó khăn”.
Theo Ban quản lý chợ Nam Phước (Duy Xuyên), các quầy bán thịt heo của các tiểu thương ở chợ rơi vào cảnh ế ẩm trong những ngày này. Người dân chủ yếu dùng thịt gà, hải sản, thịt vịt, thịt bò để thay thế thịt heo. Đáng nói, dù đã mấy tháng qua nhưng người tiêu dùng vẫn còn tâm lý ngại thịt heo, dù các cơ quan, ban ngành đã tuyên truyền mạnh trong thời gian qua. “Trước đây, mỗi ngày quầy thịt heo của tôi luôn có hàng trăm khách tới mua, mỗi ngày, tôi bán được gần 100kg. Từ thời điểm có dịch tả lợn châu Phi đến nay, mỗi ngày tôi chỉ bán được vài ký, hoạt động cầm chừng. Mong Quảng Nam thoát khỏi dịch tả lợn châu Phi để thị trường thịt heo lại bán mua nhộn nhịp như trước” - chị Nguyễn Thị Thu, tiểu thương ở chợ Nam Phước nói.
Khó kiểm soát giết mổ
Theo văn bản hướng dẫn của Sở Tài chính về chi trả tiền công cho cán bộ thú y trực tiếp thực hiện công tác kiểm soát giết mổ động vật, vệ sinh thú y, đóng dấu kiểm dịch thì ngoài hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp theo quy định, do phải làm việc vào ban đêm ở các địa điểm giết mổ tập trung bố trí ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố nên cán bộ thú y trực tiếp kiểm soát giết mổ còn được thanh toán tiền làm đêm, làm thêm giờ và tiền công tác phí theo quy định hiện hành.
Trên địa bàn huyện Thăng Bình có 3 khu giết mổ tập trung (ở xã Bình Hải, Bình Phục, Bình Phú) nhưng hiện nay chỉ còn một khu giết mổ hoạt động ở xã Bình Phục. Ông Trần Vũ Bảo - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, do phải tốn gần 1 triệu đồng để thực hiện xét nghiệm cho 1 mẫu heo trước khi tiến hành giết mổ tập trung nên các tư thương buôn bán thịt heo trên địa bàn đã giết mổ ở các địa điểm tự phát. Do không có đơn hàng nên các cơ sở giết mổ tập trung ở các xã Bình Hải, Bình Phú đã phải tạm ngưng hoạt động. Vì không giết mổ tập trung nên thịt heo không được cơ quan chức năng đóng dấu kiểm dịch. “Người dân ngại dùng thịt heo chủ yếu là do không ít khi đi mua gặp phải thịt heo không có dấu kiểm dịch. Ở thời điểm chúng tôi đi kiểm tra tại các chợ thì thấy thịt heo có dấu kiểm dịch nhưng không chắc vào lúc khác thì thịt heo có hay không có dấu kiểm dịch. Mỗi khi có đoàn kiểm tra, các tiểu thương đều biết nên nếu không có dấu kiểm dịch ở heo thì họ tạm thời nghỉ bán” - ông Bảo nói. Còn ông Lê Văn Để - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cho rằng, không biết nguồn gốc xuất xứ của thịt heo được bán ở các chợ trên địa bàn. “Khu giết mổ tập trung ở xã Bình Phục chỉ giết mổ heo sữa và heo choai, loại trừ thịt heo được bán ở các chợ trên địa bàn. Không biết tiểu thương mua nguồn thịt heo từ đâu về để bán, nếu được giết mổ nhỏ lẻ tự phát thì chắc chắn không được đóng dấu kiểm dịch” - ông Để nói. Mặt khác, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình chỉ có 1 cán bộ phụ trách công tác kiểm soát giết mổ, bố trí ở điểm giết mổ tập trung xã Bình Phục, nếu các điểm giết mổ tập trung khác hoạt động thì không đủ nhân lực để kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, đóng dấu kiểm dịch.
Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng, thị trường thịt heo ế ẩm trên địa bàn tỉnh có nguyên nhân chủ yếu từ thịt heo thiếu dấu kiểm dịch. Bởi người tiêu dùng không có cơ sở để chắc chắn thịt heo đó có đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. “Nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, đóng dấu kiểm dịch thịt heo thiếu trầm trọng ở nhiều địa phương khiến cho thịt heo được bán trên thị trường thiếu dấu kiểm dịch. Giải quyết việc này không dễ” - ông Nam nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở huyện Quế Sơn và thị xã Điện Bàn, do Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thiếu cán bộ, nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, đóng dấu kiểm dịch nên đã hợp đồng với nhân viên thú y cấp xã để thực hiện kiểm soát giết mổ. Trong khi đó, hiện không có văn bản quy phạm pháp luật nào cho phép hợp đồng nhân viên thú y cấp xã được kiểm soát giết mổ. Trước đề nghị của các địa phương về bố trí thêm nhân lực thực hiện kiểm soát giết mổ nói chung, đóng dấu kiểm dịch thịt heo nói riêng, ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nội vụ đã ký văn bản tham mưu UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có nhu cầu bổ sung nhân lực thực hiện đăng ký tuyển viên chức theo quy định.