Đổi mới để phát triển

VIỆT NGUYỄN 05/11/2019 10:35

Các làng nghề, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần nỗ lực đổi mới để thích ứng và phát triển trong xu thế hội nhập, cạnh tranh ngày một gắt gao hơn.

Các sản phẩm trầm hương của Cơ sở trầm hương Phượng Hoàng được người tiêu dùng chọn mua. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Các sản phẩm trầm hương của Cơ sở trầm hương Phượng Hoàng được người tiêu dùng chọn mua. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Sự phát triển của các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng năng động, hiện đại. Các làng nghề đã mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Xu thế chung

Nhiều năm nay, người làng nghề Quán Hương (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) vẫn bền bỉ giữ nghề trong sự cạnh tranh quyết liệt của các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Từ chỗ sản xuất thủ công, người làm nghề đã ứng dụng công nghệ sản xuất bằng máy, công suất sản xuất tăng gấp 5 - 6 lần so với trước đây. Đặc biệt, người dân đã chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm. Mẫu mã, bao bì cũng được thiết kế bắt mắt hơn, thu hút người tiêu dùng.

Ông Trương Công Thuận - Phó trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại là xu thế chung của các làng nghề trên địa bàn. Ví như trong sản xuất bánh tráng, trước đây, đều theo phương pháp thủ công. Tất cả công việc từ ngâm gạo, xay bột rồi tráng bánh đều được làm bằng tay nên năng suất không cao. Việc phơi bánh chỉ diễn ra trong những ngày nắng nên rất bấp bênh, hầu như làng nghề chỉ hoạt động vào mùa nắng nóng. Một số cơ sở sản xuất bánh tráng trên địa bàn đã được Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện hỗ trợ kinh phí đầu tư dây chuyền sản xuất tráng bánh, lắp đặt lò sấy bánh tráng khá hiện đại. Việc đưa máy móc vào sản xuất không chỉ tăng sản lượng mà chất lượng bánh cũng được đảm bảo, nhờ đó việc tiêu thụ sản phẩm ngày một hiệu quả hơn. “Từ chỗ là mô hình khuyến công với một vài hộ tham gia nhưng nhờ hiệu quả nên đến nay đã lan rộng. Nhiều hộ dân đã tích lũy vốn liếng hoặc vay vốn của ngân hàng đầu tư máy móc, sản xuất hiện đại đem lại giá trị kinh tế khá” - ông Thuận nói.

Tương tự, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Quảng Đà (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) cũng không ngừng đổi mới sản xuất để thích ứng với xu thế cạnh tranh. Ông Võ Văn Dũng - chủ cơ sở này cho biết, qua giao lưu đã nhận thấy không ít sản phẩm đá mỹ nghệ chế tác chưa thực sự tinh xảo nên bắt buộc phải học hỏi, làm mới. “Đá mỹ nghệ không chỉ được làm nên bằng bàn tay khéo léo, tinh xảo mà đòi hỏi phải thực sự nghệ thuật, chứa đựng nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất. Nhờ đầu tư lớn nên các tác phẩm đá mỹ của chúng tôi đứng được trên thị trường, cạnh tranh lành mạnh với các sản phẩm cùng loại” - ông Dũng nói.

Nhiều việc phải làm

Anh Phạm Đức Hoàng - chủ Cơ sở trầm hương Phượng Hoàng (xã Quế Trung, Nông Sơn) cho biết, nghề trầm hương rất công phu, các sản phẩm được đầu tư rất chu đáo nhưng chưa đủ, đòi hỏi phải quảng bá thương hiệu, tạo chuỗi liên kết để chủ động nguồn nguyên liệu cũng như đăng ký bảo hộ kiểu dáng độc quyền, tạo website giới thiệu sản phẩm.

Theo Sở Công Thương, trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thách thức đối với các làng nghề rất lớn bởi các điểm yếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mẫu mã, chất lượng hạn chế chưa thể giải quyết nhanh, rốt ráo trong ngày một ngày hai. Nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư thích đáng, khó khăn về nguồn vốn nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất chưa rộng rãi. Có thể thấy, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn bất cập. Như Làng mộc Kim Bồng (TP.Hội An) nổi tiếng với nhiều công trình xây dựng, điêu khắc gỗ trong và ngoài tỉnh nay đang hoạt động cầm chừng. Chính quyền TP.Hội An đã hỗ trợ làng nghề phát triển du lịch nhưng khách tham quan ngày càng thưa vắng.

Ở hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây tại Đà Nẵng 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết rất mừng với những sản phẩm của làng nghề, doanh nghiệp, trong đó có Quảng Nam đã có thể cạnh tranh với hàng hóa của nhiều nước trong khu vực và quốc tế. Để phát triển, các doanh nghiệp, làng nghề cần phải nghiên cứu kỹ thị trường, tránh thất bại do hoạt động không dựa trên điều tra, nghiên cứu thị trường. Doanh nghiệp, làng nghề cần hiểu rõ thế mạnh, điểm yếu của các sản phẩm cùng loại để nâng tính cạnh tranh, chiếm ưu thế trong lựa chọn mua hàng của người tiêu dùng.

VIỆT NGUYỄN