Phát triển vùng nguyên liệu mây tre đan: Tạo sinh kế cho đồng bào vùng cao
Trước thực trạng vùng nguyên liệu mây tre đan đang ngày càng cạn kiệt, những năm qua, nhiều tổ chức quốc tế về môi trường, chính quyền địa phương và doanh nghiệp (DN ) trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khôi phục và mở rộng vùng nguyên liệu mây tre, bước đầu tạo sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao.
Khôi phục vùng nguyên liệu
Từ nhiều năm qua, do quản lý và khai thác một cách ồ ạt, chưa chú trọng đến khoanh nuôi và tái tạo nên nguồn nguyên liệu song mây tự nhiên trên địa bàn tỉnh đang ngày càng cạn kiệt. Nhiều huyện miền núi như Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Hiệp Đức… vốn trước đây được xem là những địa phương có trữ lượng mây tự nhiên chiếm khá lớn nhưng đang cạn kiệt dần.
Theo ông Lê Văn Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Mây tre lá Quảng Nam, nguyên liệu thực sự là vấn đề khó cho các DN mây tre đan hiện nay, bởi nhiều năm qua khai thác, sử dụng nguồn nguyên liệu mây tre không hợp lý, chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô. Do vậy, nhiều làng nghề, cơ sở sản xuất mây tre phải sản xuất cầm chừng và có nguy cơ ngừng hoạt động vì không chủ động được nguyên liệu. Chính vì vậy, việc thiết lập những vùng nguyên liệu chuyên canh trồng mây tre tập trung đang là một nhu cầu bức bách không chỉ ở Quảng Nam mà tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Để khôi phục và phát triển bền vững vùng nguyên liệu mây tre tự nhiên ở địa phương, trong những năm qua, Quảng Nam đã tranh thủ các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế về môi trường, đã triển khai nhiều chương trình phục hồi và phát triển vùng nguyên liệu mây tre ở các địa phương miền núi. Cụ thể như dự án của Cơ quan hỗ trợ kỹ thuật Đức tài trợ triển khai “Xây dựng chuỗi giá trị mây tre ở Quảng Nam”, Tổ chức Lao động quốc tế tài trợ dự án “Tạo việc làm cho thanh niên thông qua trồng và chế biến sản phẩm mây tre thân thiện với môi trường”, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên hỗ trợ về “Kỹ thuật trong việc nhân giống, cây trồng và khai thác bền vững các loài mây tre trên địa bàn của tỉnh Quảng Nam”.
Nhờ đó, nhiều địa phương đã có cơ hội đầu tư xây dựng các mô hình vườn ươm giống, hình thành các cánh rừng trồng song mây mới lên đến hàng trăm héc ta; đồng thời xây dựng các chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm xây dựng vùng nguyên liệu mây tre theo hướng ổn định và tạo sinh kế bền vững cho người dân miền núi.
Hiện nay, Quảng Nam đang xúc tiến triển khai dự án “Cải thiện sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Theo đó, hỗ trợ trồng mới 100ha mây, bảo vệ khai thác bền vững 50ha mây dưới tán rừng tự nhiên theo quy trình bền vững, có thể truy xuất nguồn gốc và tổ chức đào tạo nghề và phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống từ mây tre lá ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Núi Thành và Phước Sơn.
Tạo sinh kế
Theo ông Lê Văn Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Mây tre lá Quảng Nam, để phát triển ngành mây tre đan một cách bền vững, Nhà nước cần có những chính sách, cơ chế thông thoáng hơn để tạo điều kiện cho các làng nghề, DN mây tre liên kết, liên doanh xây dựng vùng nguyên liệu; tham gia các chương trình/dự án trồng rừng sản xuất hoặc được giao đất lâm nghiệp ổn định và lâu dài nhằm giúp cho DN tự chủ nguyên liệu trong sản xuất.
Sau hơn 8 năm, Quảng Nam đã triển khai thực hiện Quyết định số 11/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển ngành mây tre, được chính quyền địa phương các cấp, làng nghề, DN mây tre đan trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tích cực trong việc khôi phục và phát triển vùng nguyên liệu và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khởi đầu là dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển các loại song mây ở Quảng Nam” do Trung tâm Ứng dụng thông tin KH&CN Quảng Nam triển khai chuyển giao công nghệ. Theo đó, tiến hành xây dựng 2 vườn ươm giống ở Quế Thọ (Hiệp Đức) và Tiên Ngọc (Tiên Phước) để cung ứng giống mây nếp cho gần 100 hộ dân trồng hơn 120ha ở các huyện miền núi.
Dự án triển khai theo quy trình khép kín gồm: Chọn giống, xây dựng vườn ươm mẫu để sản xuất cây trồng; áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh trồng mây dưới tán rừng; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về thu hái, bảo quản và xử lý hạt nảy mầm, ươm giống, sơ chế song mây cho người dân địa phương... Đây còn là cơ hội cho người dân tiếp cận với việc trồng rừng, gắn liền với đầu tư công nghệ để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, năng suất cao, giải quyết thu nhập cho người dân.
Cùng với cơ chế khuyến khích phát triển diện tích trồng rừng, những năm gần đây, nhiều huyện miền núi đã hỗ trợ giống và kỹ thuật, vận động bà con mở rộng diện tích trồng song mây dưới tán rừng. Đây được xem là hướng đi mới, tạo sinh kế bền vững cho người dân và hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy. Được hỗ trợ từ dự án CarBi triển khai tại Quảng Nam, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn đã tiến hành giao khoán và khuyến khích hàng chục hộ dân nhận trồng hàng trăm héc ta mây tre dưới tán rừng; huyện Đông Giang vận động các hộ dân xã Tư, xã Ba và Sông Kôn tiến hành trồng và chăm sóc hơn 134ha cây mây dưới tán rừng.
Ở huyện Tiên Phước, nhóm hộ ông Nguyễn Minh Tâm (xã Tiên Cảnh) nhận trồng xen ghép 5ha song mây dưới tán rừng thuộc khu vực núi Cửa Rừng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Bên cạnh đó, các DN mây tre như Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ, Công ty Mây tre Phú Quý, HTX Nông nghiệp Mà Cooih đã chủ động liên kết với người dân địa phương xây dựng vườn ươm và trồng hơn 400ha mây tre để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất.