Cơ hội cho sản phẩm công nghiệp nông thôn

LÊ QUÂN 21/10/2019 14:00

Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) được nhìn nhận sẽ là mặt hàng được ưa chuộng trong tương lai, khi đảm bảo hầu hết tiêu chí về một sản phẩm tốt cho người tiêu dùng. Nhưng liệu cơ hội quảng bá lẫn thị trường của dòng sản phẩm này có thật sự thuận lợi?

Bộ đèn Hồn Quảng - Sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019. Ảnh: L.Q
Bộ đèn Hồn Quảng - Sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019. Ảnh: L.Q

Vinh danh sản phẩm chất lượng

Trong 110 sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia được Bộ Công Thương vinh danh và cấp chứng nhận năm 2019, Quảng Nam góp mặt một bộ sản phẩm. Đó là bộ đèn Hồn Quảng của thợ giỏi Lê Tiến Vỹ (Điện Bàn).

Anh Lê Tiến Vỹ cho biết, để được vinh danh là sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia, từ khi bộ đèn hoàn thiện cho đến các khâu dự thi từ cấp huyện lên tỉnh, đến khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cho đến tháng 9.2019 mới được công nhận là sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia phải mất đến 2 năm. Bộ đèn được làm khá công phu với hình nền là cây tre, dụng ý muốn nhắc đến hình ảnh làng quê xứ Quảng. Trên nền hình tượng đốt tre này là phù điêu của tháp cổ và Chùa Cầu, tượng trưng cho 2 Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn - Hội An.

Lê Tiến Vỹ là một người khá quen tên của giới làm gỗ mỹ nghệ xứ Quảng, khi những sản phẩm của anh hiện được biết đến nhiều thông qua các hội chợ, triển lãm trưng bày trong và ngoài tỉnh. “Tôi tham dự khá nhiều các cuộc thi, bình chọn sản phẩm CNNTTB ở nhiều địa phương để mong sản phẩm của mình được biết đến nhiều hơn” - Lê Tiến Vỹ nói. Không nề hà mình là một người khuyết tật, những nỗ lực vươn lên không ngừng của anh đã được đền đáp xứng đáng.

Ông Đinh Văn Phúc – Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho biết, lần này sản phẩm của Lê Tiến Vỹ được lọt vào danh mục sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia là minh chứng cho việc liên tục cải tiến sản phẩm cũng như sự đầu tư tâm huyết của anh. Đây chính là cú hích để các sản phẩm CNNTTB của Quảng Nam tiếp tục có những bước đi bài bản, lớp lang hơn. Việc vinh danh các sản phẩm công nghiệp nông thôn cũng là một trong những cách thức để định vị cho dòng sản phẩm này.

“Lâu nay hoạt động của các làng nghề, cơ sở công nghiệp nông thôn còn rất nhiều khó khăn, từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chủ yếu theo phương pháp thủ công truyền thống, sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, giá thành cao, mẫu mã đơn điệu, sức cạnh tranh không cao, chưa nhạy bén với cơ chế thị trường... Do đó, việc bình chọn sản phẩm CNNTTB sẽ khuyến khích các cơ sở sản xuất phát huy những ý tưởng sáng tạo, thiết kế những mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng, có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng” - ông Đinh Văn Phúc nói.

Từ năm 2015 đến nay, Quảng Nam có 6 sản phẩm đạt cấp quốc gia, chưa kể hàng chục sản phẩm được công nhận thông qua các cuộc bình chọn cấp tỉnh. Để được bình chọn là sản phẩm CNNTTB, các cơ sở sản xuất phải đạt các tiêu chí từ việc doanh thu ổn định, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường, đáp ứng chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, xã hội cho đến việc thể hiện tính văn hóa, thẩm mỹ... Theo ông Phúc, khi được công nhận là sản phẩm CNNTTB từ cấp tỉnh trở lên, thì mặc nhiên đây là những sản phẩm nổi trội, đại diện cho các nhóm ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu, có lợi thế của tỉnh, khu vực và quốc gia.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Các hội chợ, triển lãm trưng bày là cơ hội tốt nhất để quảng bá sản phẩm chất lượng của địa phương. Mới đây, tại Hội chợ thương mại Festival Di sản Quảng Nam hồi đầu tháng 9 tổ chức tại Hội An, với hơn 300 gian hàng bày bán các sản phẩm nông lâm thủy sản đến thực phẩm chế biến, may mặc - thời trang, điện - điện tử, điện gia dụng, máy móc và thiết bị công nghiệp, công nghệ thông tin, đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ... tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất kinh doanh kết nối giao thương hàng hóa, quảng bá sản phẩm của mình.

Trong khi đó, ở các địa phương hiện nay, hầu hết sản phẩm CNNTTB đang loay hoay tìm đầu ra. Mặc dù đã được hỗ trợ kết nối nhưng do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, rất ít cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đáp ứng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, số lượng sản phẩm cũng như việc cạnh tranh với hàng giả đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các cơ sở sản xuất này.

Ông Nguyễn Văn Tiếp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, hiện nay, phần lớn cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và hộ gia đình, nguồn lực đầu tư cho công nghệ sản xuất rất hạn chế. Do đó, sản phẩm công nghiệp nông thôn chủ yếu vẫn được sản xuất thủ công, bán thủ công dẫn tới chất lượng sản phẩm không đồng đều, mẫu mã, bao bì sản phẩm không hấp dẫn.

Bắt đầu từ năm 2019, theo quyết định từ Bộ Công Thương, những sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia sẽ được Cục Công Thương địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước… có kế hoạch làm việc cụ thể với từng địa phương, doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận để tư vấn, định hướng và có hỗ trợ sát thực, hiệu quả.

Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, tại Diễn đàn về phát triển sản phẩm CNNTTB tổ chức hồi cuối tháng 9, cho biết, thông qua các hội nghị kết nối cung cầu đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn giới thiệu, quảng bá sản phẩm CNNTTB, đưa sản phẩm vào chuỗi phân phối. Ngoài ra, các cơ sở công nghiệp nông thôn còn được hưởng nhiều quyền lợi và ưu đãi khác như: thưởng tiền mặt, in hoặc dán nhãn logo của chương trình bình chọn sản phẩm CNNTTB trên sản phẩm, bao bì, được cung cấp thông tin tư vấn, hướng dẫn tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương để đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, xúc tiến thương mại và các hoạt động khuyến công khác.

LÊ QUÂN