Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm

Việt Nguyễn 15/10/2019 11:26

Trước thực trạng báo động về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn trên địa bàn tỉnh, mới đây, UBND tỉnh có công văn yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương trên phạm vi toàn tỉnh siết chặt quản lý, khắc phục các bất cập.

Cần kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Cần kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Báo động

Gần đây, khi thanh tra, kiểm tra, ngành chức năng và địa phương đã phát hiện nhiều cơ sở vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Có 12 cơ sở đã sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng để sản xuất, chế biến thực phẩm. Có đến 125 cơ sở vi phạm quy định về tiêu chuẩn sức khỏe trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Về thực hành an toàn thực phẩm (ATTP), có đến 165 cơ sở vi phạm, chủ yếu là sản xuất, chế biến thực phẩm trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, đáng nói có nhiều cơ sở không che đậy, để côn trùng, ruồi nhặng tiếp xúc với sản phẩm chế biến. Có 79 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo chất lượng. Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), có đến 511 cơ sở không đảm bảo các quy định về ATTP nhưng các ngành chức năng chỉ mới xử lý 21 cơ sở; trong đó có 17 cơ sở bị phạt với số tiền hơn 22 triệu đồng. “Đáng nói là có rất nhiều cơ sở có điều kiện sản xuất bẩn. Nhiều cơ sở kinh doanh bánh kẹo có nguồn gốc nước ngoài nhưng không có nhãn phụ. Đặc biệt, thực phẩm hết hạn sử dụng nhưng vẫn lưu thông, buôn bán trên thị trường khá nhiều, đầu độc sức khỏe người tiêu dùng” - ông Nguyễn Cam, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nói.

Hiện có rất nhiều bất cập về quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực ATTP chưa đồng bộ, không phù hợp với thực tiễn. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam còn thiếu, nhiều mặt hàng thực phẩm chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng nên việc áp dụng các chỉ tiêu kiểm nghiệm thực phẩm gặp khó. Năng lực kiểm nghiệm ATTP tại Quảng Nam hạn chế nên bắt buộc phải gửi nhiều mẫu kiểm nghiệm thực phẩm đến TP.Đà Nẵng thực hiện, tốn nhiều thời gian mới có kết quả nhưng xử lý vi phạm về ATTP không thể chậm trễ được. Xử lý vi phạm về ATTP ở cấp huyện còn chưa triệt để, nương nhẹ, thiếu kiên quyết nên không đủ sức răn đe. Việc quản lý chất lượng, điều kiện sản xuất, kinh doanh rượu truyền thống trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do đa số hộ nấu rượu nhỏ lẻ, manh mún, trong khi đó, không ít vụ ngộ độc rượu xảy ra gây chết người. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm của tỉnh còn nhiều yếu kém, ít chấp hành các quy định về ATTP.

Tăng cường thanh tra đột xuất 

Qua thanh tra, kiểm tra ATTP vừa qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) đã đình chỉ 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở các địa phương là Duy Xuyên, Quế Sơn. Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã lấy 39 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, đã có kết quả là 1 mẫu không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn yêu cầu, các mẫu khác chưa có kết quả, vẫn phải chờ để xử lý sau.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, các chuỗi nông sản, sản phẩm thực phẩm an toàn được triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã tạo điều kiện để Quảng Nam đưa sản xuất, kinh doanh thực phẩm vào nền nếp. Bởi vậy, các địa phương trên toàn tỉnh cần nhân rộng mô hình này. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương thống kê, tổ chức thẩm định xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm nông - lâm - thủy sản trên địa bàn theo đúng quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25.12.2018 của Bộ NN&PTNT. Đồng thời, cập nhật danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản vào phần mềm cơ sở dữ liệu về quản lý chất lượng, ATTP nông - lâm  - thủy sản. Đặc biệt, chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn phụ trách và chịu trách nhiệm xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý thuộc lĩnh vực được phân công. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Sở NN&PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản. Công tác thanh tra đột xuất các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về chất lượng ATTP nông - lâm - thủy sản cần được chú trọng hơn. Theo đó, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Ngành nông nghiệp cần tổ chức đánh giá kết quả 3 năm thực hiện mô hình thí điểm các chuỗi sản phẩm an toàn để xây dựng cơ chế hỗ trợ nhằm khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP tại tuyến huyện, tuyến xã theo phân cấp...

Ông Nguyễn Văn Văn đề xuất đối với các địa phương của tỉnh, cần tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành, liên ngành để kịp thời hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đáp ứng đúng các quy định của pháp luật về ATTP, đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là kinh doanh hàng hóa nước ngoài nhưng không có tem phụ và không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Việt Nguyễn