Hàng Việt trong làn sóng cạnh tranh

VIỆT NGUYỄN 17/10/2019 11:45

Doanh nghiệp trong nước, trước khi tính đến chuyện vươn ra thị trường xuất khẩu thì cần chú trọng phát triển sâu rộng thị trường nội địa, thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng tốt hơn, nhất là những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, biên giới, nơi tập trung đông dân cư.

Hàng điện tử, điện lạnh nhập khẩu có sức cạnh tranh hơn hàng Việt. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Hàng điện tử, điện lạnh nhập khẩu có sức cạnh tranh hơn hàng Việt. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều thách thức

Trên thị trường Quảng Nam hiện có rất nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu chất lượng được chính các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sản xuất, vận chuyển, buôn bán. Chỉ riêng trong tháng 8.2019, các ngành chức năng xử lý 156 vụ, xử phạt, nộp ngân sách 1,3 tỷ đồng. Nhiều người không may mua sắm, sử dụng hàng giả đã hết sức bất bình nhưng chỉ số ít tìm đến các cơ quan chức năng để tố giác.

Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam thừa nhận, công tác đấu tranh chống vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái dù đã đạt được nhiều thành quả nhưng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Ngành quản lý thị trường đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng như công an, biên phòng, cảnh sát biển, hải quan... để ra quân chống hàng giả, hàng lậu. Nhưng các lực lượng không thể thường trực 24/24 giờ ở mọi tuyến đường, mọi thị trường để trinh sát, phát hiện, chống mọi thủ đoạn, hành vi gian lận thương mại được. Bởi vậy, điều quan trọng là người tiêu dùng cần biết cách tự bảo vệ mình, tìm hiểu kỹ càng mọi sản phẩm, hàng hóa trước khi mua về dùng. Khi phát hiện hàng gian lận thương mại, người dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để đấu tranh, xử lý triệt để.

Không chỉ chịu tác động xấu từ trong nước, hàng Việt còn chịu thách thức từ việc nước ta tham gia các hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Một khi hướng đến nền kinh tế mở thì thách thức là không nhỏ khi các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa của những thương hiệu quốc tế, toàn cầu. Con số thống kê sau đây của Bộ Công Thương cho thấy nhiều điều: Hiện nay, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại hơn 9 nghìn chợ trên phạm vi cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm trong nước. Đặc biệt, hàng điện tử, điện lạnh Thái chiếm đến 70% thị phần. Dù nước ta có thế mạnh về sản xuất trái cây nhưng hiện hoa quả, trái cây có xuất xứ từ Thái Lan đã chiếm hơn 40% thị phần.

Đối với hàng hóa “made in Quảng Nam”, qua các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại được tổ chức trong và ngoài tỉnh đều yếu thế cả về hình dáng lẫn chất lượng so với hàng hóa của tỉnh bạn, nhất là không thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Theo Sở Công Thương, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dù rất năng nổ nhưng chưa thể “lột xác” hàng hóa, sản phẩm trong ngày một ngày hai do yếu về vốn đầu tư, công nghệ ứng dụng. Đó là chưa nói, cơ chế quản lý, điều hành hàng hóa trên thị trường còn lỏng lẻo, bất cập cũng đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp của tỉnh.

Không thể chậm trễ

Ngành chức năng khuyến cáo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không thể chậm trễ trong cải cách, cải tiến hàng hóa, sản phẩm ngày một chất lượng, mẫu mã bắt mắt hơn. Các doanh nghiệp cần chuyển ngay các hoạt động sản xuất đi vào chiều sâu bằng những giải pháp bền vững. Để cạnh tranh, doanh nghiệp cần nhanh chóng cắt giảm các khoản chi phí, giảm giá thành để hạ giá bán hàng hóa bằng hoặc thấp hơn hàng nhập khẩu mà vẫn bảo đảm chất lượng, hình thức thu hút.

Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công, xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho rằng, sản xuất và kinh doanh hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuận tiện hơn nhờ được tạo mọi điều kiện thuận lợi để tham gia đầy đủ các hội chợ, các dịp quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu. Nhưng như thế còn chưa đủ. Nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường.

Theo ông Phạm Phú Hòe - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình, hơn ai hết, các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề trên địa bàn tỉnh hiểu rõ thị hiếu, phong tục, tập quán, khuynh hướng mua sắm, tiêu dùng của người Quảng. Vì thế, để “đứng được” trên sân nhà, các nhà sản xuất cần mau chóng cải thiện mẫu mã bao bì, nhạy bén nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng để đưa ra sản phẩm đáp ứng về chất lượng, thuyết phục khách hàng bằng chính ưu thế sản phẩm cũng như dịch vụ trước, trong và sau khi bán hàng. Nhất là các sản phẩm, hàng hóa cần tem nhãn để người tiêu dùng tiện truy xuất nguồn gốc, yên tâm sử dụng. Đó là con đường không thể khác để doanh nghiệp khẳng định vị thế, thương hiệu, ưu thế cạnh tranh.

Theo các ngành chức năng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chưa thực sự chú trọng hoạt động phân phối, tiếp thị, xây dựng hệ thống bán lẻ cũng như áp dụng các cơ chế ưu đãi, khuyến khích dài hạn cho nhà phân phối ưu tiên giới thiệu, bán các sản phẩm, hàng hóa của mình. Ngược lại, đây là thế mạnh, căn cốt kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu vào nước ta, như Thái Lan. Bởi vậy, đối sách quan trọng để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu là doanh nghiệp Quảng Nam cần tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến bảo quản, phân phối hàng hóa, sản phẩm.

VIỆT NGUYỄN