Trứng gà Văn Học
Trở thành thương hiệu được ưa chuộng trên thị trường từ nhiều năm nay, trứng gà Văn Học (Phú Ninh) là một trong những sản phẩm sạch đã khẳng định vị trí của mình.
Ông Nguyễn Văn Học - chủ cơ sở sản xuất kinh doanh thương hiệu trứng gà Văn Học cho biết, cơ sở của ông xây dựng trang trại khép kín, đảm bảo các tiêu chuẩn về nhiệt độ, môi trường, quạt gió và sử dụng công nghệ tự động cho ăn, dọn phân... để mở rộng quy mô chăn nuôi lên 20 nghìn con gà. “Chúng tôi luôn đặt chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu để tạo dựng và phát triển thương hiệu lâu dài, bền vững. Có lẽ nhờ vậy nên trứng gà của trang trại chúng tôi lâu nay được người tiêu dùng tin tưởng” - ông Học chia sẻ.
Năm 2018, trứng gà Văn Học được xếp hạng ba sao chương trình OCOP cấp tỉnh. Từ chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất cho đến việc đầu tư, chăm chuốt cho bao bì sản phẩm, các phương án kinh doanh, xây dựng thương hiệu đều được cơ sở này chuẩn bị bài bản. Chưa kể, các quy định về môi trường chăn nuôi, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm đều được cơ sở này tuân thủ.
Bắt đầu cho câu chuyện chăn nuôi sản xuất từ năm 2004 với quy mô trang trại hơn 8 nghìn mét vuông và khoảng 1.500 con gà đẻ trứng. Sau hơn 10 năm kiên trì theo đuổi và liên tục cải tiến không ngừng, cơ sở chăn nuôi sản xuất và kinh doanh trứng gà Văn Học đã lên đến hơn 12 nghìn con gà đẻ siêu trứng, hơn 2 nghìn gà đẻ trứng giống Ai Cập cũng như mở rộng sang các sản phẩm khác.
Hiện cơ sở chăn nuôi gà đẻ trứng Văn Học có quy mô hơn 10 nghìn con gà mái đẻ. Mỗi ngày cơ sở cung ứng cho thị trường khoảng 5.000 - 6.000 trứng, chủ yếu cho siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, Công ty CP Ô tô Chu Lai - Trường Hải, các trường học, chợ ở Phú Ninh, TP.Tam Kỳ và TP.Đà Nẵng. Hiện nay, trứng gà Văn Học đã có bộ nhận diện thương hiệu với mã QR, logo và tem nhãn để người tiêu dùng dễ dàng xác định nguồn gốc sản phẩm.
Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, trứng gà Văn Học được đánh giá cao vì các tiêu chuẩn khắt khe trong quá trình chăn nuôi cũng như cách mà hộ kinh doanh này xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình. Hiện nay, để đa dạng hóa sản phẩm, chủ hộ sản xuất Nguyễn Văn Học đang tiếp tục tìm cách nghiên cứu mô hình chăn nuôi gà ác ở miền Nam để thử nghiệm tại trang trại mình.
Kỳ vọng về những sản phẩm chất lượng ngay trên quê hương mình, cùng với việc tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương, việc xây dựng và lan tỏa thương hiệu trứng gà Văn Học đã chứng nhận cho nỗ lực không mệt mỏi của một nông dân xứ Quảng.