Tam Thanh làm nông nghiệp kết hợp du lịch

TƯỜNG QUÂN 09/10/2019 11:11

Hội Nông dân xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) đang tích cực hỗ trợ bà con nông dân trên địa bàn phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường, định hướng kết hợp du lịch.

Du khách đến tham quan trải nghiệm nghề nuôi cá chẽm tại xã Tam Thanh. Ảnh: T.Q
Du khách đến tham quan trải nghiệm nghề nuôi cá chẽm tại xã Tam Thanh. Ảnh: T.Q

Ông Lê Thanh Xuân ở thôn Hòa Hạ (xã Tam Thanh) trước đây làm nghề nuôi tôm trên sông Trường Giang, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn do tôm nuôi có năm sinh trưởng tốt nhưng cũng có năm dịch chết. Khi địa phương phát triển du lịch, ông bỏ nghề tôm để chuyển sang làm dịch vụ buôn bán nhỏ lẻ, đồng thời duy trì nghề nông bằng việc chăn nuôi gà thay cho con tôm trước đây. Bên cạnh đó, ông Xuân cũng nhận thấy rằng nuôi tôm trên sông có nguy cơ gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường du lịch. “Được Hội Nông dân xã hỗ trợ phương pháp kỹ thuật, tôi chuyển qua nuôi gà với số lượng từ 50 đến 100 con mỗi lứa. Tôi hết sức chú trọng đến công tác phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường” - ông Xuân nói.

Không chỉ riêng ông Xuân, những năm gần đây nhiều nông dân trên địa bàn xã Tam Thanh cũng đã bỏ nghề nuôi tôm để chuyển sang nuôi các loại thủy hải sản khác, vừa hạn chế gây ô nhiễm môi trường nước vừa phát triển kinh tế, tích cực hỗ trợ trong phát triển du lịch. Như ông Trần Văn Nhựt ở thôn Hòa Thượng, trước đây nuôi 3 ao tôm với diện tích gần 1ha, nay đã chuyển sang nuôi cá chẽm. Ông Nhựt nói: “Tôi nuôi cá chẽm, được Hội Nông dân xã khuyến khích và tích cực hỗ trợ, nhất là giới thiệu đầu ra cho sản phẩm. Tôi cũng đã tham gia đón nhiều khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm việc đánh bắt cá, chế biến các món ăn đồng quê dân dã, góp phần phát triển du lịch địa phương” - ông Nhựt cho biết.

Xã Tam Thanh có diện tích đất nông nghiệp ít, các cánh đồng hay những khu vực chăn nuôi nhỏ hẹp. Do vậy không có nhiều các trang trại quy mô lớn mà chủ yếu nhỏ lẻ trong khuôn khổ hộ gia đình. Tuy nhiên vấn đề nuôi trồng rất được địa phương quan tâm nhằm hạn chế tác động đến môi trường, du lịch. Đã có thời gian tình hình nuôi tôm trên sông Trường Giang và dọc bờ biển phát triển ồ ạt gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Hay như mới đây nhất, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại địa phương cũng ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch. Trước tình hình đó, Hội Nông dân xã Tam Thanh đã triển khai nhiều giải pháp để định hướng cho bà con nông dân phát triển nông nghiệp đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.

Phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch đang là xu thế mới và được thực hiện thành công ở nhiều địa phương. Xã Tam Thanh định hướng phát triển theo hướng này cũng sẽ góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên. Ông Lê Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Thanh cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang tích cực khuyến khích bà con nông dân nuôi các loại cá chẽm, cá đối mục, nuôi gà thả vườn... Đây là những mô hình có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Đồng thời định hướng cho người dân cũng như kết nối khách du lịch đến tham quan các mô hình nông nghiệp ở địa phương, từ đó bắt đầu hình thành và phát triển loại hình du lịch nông nghiệp hiệu quả”.

TƯỜNG QUÂN