Phát triển kinh tế tập thể: Ưu tư của người trong cuộc
Có thể nhận thấy kể từ khi có Nghị quyết 13 - NQ/TW ngày 18.3.2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Luật Hợp tác xã (HTX) có hiệu lực, cùng với sự ra đời của các cơ chế, chính sách hỗ trợ… đã giúp cho các HTX xác lập vị trí trong xã hội, thu hút được lực lượng lao động trẻ có trình độ, tâm huyết gia nhập. So với 15 năm trước, HTX đã tạo một khuôn mặt mới, sản xuất kinh doanh đa dạng, có thể mở rộng liên doanh, liên kết… tăng thu nhập, tạo dựng niềm tin với xã hội về mô hình HTX…
Tuy nhiên, sự đóng góp vào GRDP của khu vực kinh tế tập thể vẫn còn quá ít. Những khó khăn đối với khu vực kinh tế này là thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh; hệ thống chính sách, cơ chế hỗ trợ phát triển bất cập, chồng chéo, trùng lắp, thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể...
Ông Trương Cảm – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa: “Phải làm được vai trò dịch vụ hỗ trợ kinh tế hộ”
Từ chỗ không vốn, sản xuất tự phát, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp, niềm tin thành viên bị đánh mất, HTX tưởng chừng đứng bên bờ vực phá sản… đã chuyển biến kể từ sau đại hội thành viên theo Luật HTX mới, khẳng định được vai trò “hướng dẫn sản xuất, tổ chức dịch vụ hỗ trợ kinh tế hộ”.
Động lực để HTX vực dậy chính là việc mạnh dạn trong liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học để tạo ra một chuỗi giá trị cho sản phẩm từ cây lúa, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Thành viên được HTX cung cấp dịch vụ đầu vào và sản phẩm đầu ra được bao tiêu 100%.
Chỉ có sự năng động, dám nghĩ, dám làm, vận dụng linh hoạt các cơ chế thông thoáng của luật HTX mới, hợp tác bình đẳng đôi bên cùng lợi đã tạo được niềm tin với nông dân, từ sản xuất, liên kết thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, hàng hóa giá cả bảo đảm, phát triển hệ thống bảo quản…, duy trì các dịch vụ tạo điều kiện tốt phát triển kinh tế hộ (dịch vụ nông nghiệp, vận chuyển, sấy nông sản, bảo vệ thực vật, mua bán vật tư nông nghiệp, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung…), công khai, minh bạch tài chính, lãi cổ phần, phúc lợi xã hội và 100% chế độ bảo hiểm thành viên... Nông nghiệp luôn được mùa, hoạt động dịch vụ, kinh doanh có lãi, năm sau luôn cao hơn năm trước; các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch; sản phẩm thực hiện theo chuỗi giá trị đã được xúc tiến thương mại, cạnh tranh thị trường và được thị trường chấp nhận. Điều này đã giúp HTX khẳng định được vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác.
Một yếu tố không thể thiếu là không chỉ cậy vào cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà còn tinh thần trách nhiệm, chịu khó của cán bộ, nhân viên toàn HTX, sự đồng thuận của bà con thành viên. Nhất là sự mạnh dạn liên doanh, liên kết mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Sản xuất thực hiện đúng quy trình, lịch thời vụ, chú trọng đến hướng dẫn, tuyên truyền, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, chuyển đổi cây trồng, mùa vụ để tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích. Nỗ lực huy động nhiều kênh tìm vốn, mở rộng sản xuất thương mại, dịch vụ, liên tục đổi mới sản xuất, kinh doanh, liên doanh, liên kết kinh tế với các HTX và doanh nghiệp khác nhau, tạo điều kiện phát triển HTX theo cơ chế mới.
Những khó khăn của HTX dễ được nhìn thấy khi sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, thời tiết, khí hậu biến đổi thất thường. Sự cạnh tranh sản phẩm trên thị trường ngày càng gay gắt. Nhưng công nghệ, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, diện tích đất sản xuất manh mún, khó áp dụng cơ giới hóa hoặc ứng dụng công nghệ cao. Nông dân thì già hóa, hầu hết trên 60 tuổi. Thế hệ trẻ tập trung các ngành công nghiệp, hướng về thị thành. Tài sản tập thể không thể tiếp cận được các khoản vay dẫn đến không có vốn đầu tư. Nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước khó được tiếp cận và chồng chéo. Cán bộ HTX chưa được đào tạo chính quy, nên thụ động, lúng túng trong tổ chức sản xuất, thích ứng chậm và lớp trẻ ra trường ít quan tâm tham gia HTX. Nhà nước cần có chính sách tích tụ ruộng đất, để tạo thuận lợi áp dụng công nghệ trong sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Có chính sách hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực trẻ, trình độ, tâm huyết về tham gia lâu dài trong HTX. Nhà nước có chính sách thoáng để cho HTX nông nghiệp chuyển đổi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, cũng như chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Nhật - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX DVNN - KDTH Nhật Linh (Tiên Phước): “Thay đổi cách nhìn qua từng sản phẩm, dịch vụ”
Quan điểm chính của HTX là sẽ phải làm được những việc mà một cá nhân không thể làm được. Sẽ làm thay đổi cách nhìn của người tiêu dùng, của người dân về hình ảnh HTX qua việc làm và thực tế trên từng sản phẩm, hỗ trợ nông nhân thu nhập được cao hơn. HTX không trực tiếp sản xuất nguyên liệu thô, nhưng sẽ sản xuất cho nông dân giống cây trồng bản địa, đặc trưng của địa phương, thu mua, chế biến, quản lý, sử dụng 3 thương hiệu tập thể: tiêu Tiên Phước, trầm hương, lòn bon. HTX không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì hấp dẫn, gắn với sự quan tâm hàng đầu đến việc quảng bá và thương mại sản phẩm. Từ phát tờ rơi, quảng bá các cổng thông tin điện tử, tham gia triển lãm, hội chợ, các diễn đàn, hội chợ giao thương…, tổ chức đội ngũ nhân viên marketing, xây dựng chuỗi đại lý phân phối tốt nhất và thành lập công ty hỗ trợ tài chính cho HTX sản xuất gắn liền việc tiêu thụ sản phẩm.
Nỗ lực của HTX hy vọng sẽ giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất tiểu nông sang hàng hóa, từng bước xóa đói giảm nghèo. Một khi thương mại và công nghiệp chế biến vào cuộc, sẽ làm cầu nối giúp nông dân yên tâm sản xuất, ổn định chất lượng đầu ra cho sản phẩm. HTX sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, song song với việc liên kết liên doanh với các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp tiêu thụ chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm thô, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Kế hoạch năm 2019, HTX đầu tư xây dựng quy chuẩn Apsad cho sản phẩm rượu lòn bon, tiếp tục nâng cấp rượu bòn bon đạt tiêu chuẩn 5 sao để xuất khẩu; đầu tư xây dựng xưởng sản xuất chế biến trầm hương, trầm mỹ nghệ, hương trầm, hương quế; phụ kiện trang trí nội thất xe ô tô bằng nguyên liệu trầm hương thô Tiên Phước. Tổng vốn đầu tư 6 tỷ đồng (2019 - 2021). Nếu được ủng hộ các cơ chế chính sách tài chính của Nhà nước, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, HTX sẽ có cơ hội phát triển, thành công hơn.
Bà Nguyễn Thị Minh Thủy – Giám đốc HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ Nấm Nhì Tây (Hiệp Đức): “Tác động cơ chế, chính sách đến người thụ hưởng còn chậm”
HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây ra đời với một trang trại nấm hơn 1500m2, sản xuất nấm sò, mộc nhĩ, linh chi…
Không chỉ sản xuất, chế biến, sau 5 năm, Nấm Nhì Tây đã hoàn thiện khâu chế biến một số sản phẩm sau thu hoạch và giới thiệu mô hình trồng nấm cho các gia đình có nhu cầu, cung cấp giống, phôi nấm các loại với sản lượng 100.000 bịch phôi/năm. Thương hiệu Nấm Nhì Tây Hiệp Đức đã được đăng ký thương hiệu tập thể, tạo cơ hội cho xã viên mạnh dạn nhân rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng nấm lên gấp 2 - 3 lần vào năm tới. HTX trở thành đầu mối thu gom, cung ứng sản phẩm và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên, hộ gia đình có nhu cầu trồng nấm trong và ngoài địa phương, hỗ trợ người dân tại địa phương chủ động trong việc sản xuất cả khâu đầu vào và tiêu thụ đầu ra. HTX đã ký kết hợp đồng cụ thể với các đơn vị sản xuất để bảo đảm về số lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường theo đơn đặt hàng, tạo niềm tin vững chắc để thành viên, các hộ gia đình yên tâm sản xuất và gắn bó lâu dài với HTX.
Song, thực tế, HTX còn nhiều hạn chế về nguồn lực tài chính. Không ít chính sách, cơ chế (đặc biệt là Luật HTX) đã tạo hành lang pháp lý cho HTX chuyển đổi, xây dựng mới. Nhưng, sự tác động của chủ trương, chính sách quá chậm, chưa đến được cơ sở. HTX quyết định mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm một số máy loại máy móc, xây dựng thêm một số nhà xưởng để đảm bảo phục vụ tốt quy trình sản xuất, mở các khóa đào tạo kỹ thuật, tăng hiệu quả của lao động, chuyên môn hóa nhiệm vụ ở từng giai đoạn để tăng hiệu quả chung của hoạt động sản xuất. Sẽ ký kết thêm hợp đồng có thời hạn với các lao động, thực hiện chế độ mua bảo hiểm, tạo động lực lớn cho cán bộ HTX và người lao động yên tâm nhiệt tình công tác.
Mong muốn hiện tại là sớm được tạo điều kiện về địa điểm, mặt bằng, các thủ tục liên quan để HTX hoạt động ổn định.
Ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam: “Phát triển HTX phải bắt đầu từ nội lực”
Có thể nói hàng loạt nghị quyết, nghị định, thông tư, quyết định từ Trung ương lẫn địa phương đã tạo động lực cho các địa phương, nhân dân phát triển kinh tế tập thể. Kinh tế HTX đã phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Số lượng HTX thành lập mới tăng đột biến, gấp 2 lần so với nhiều năm trước.
Nhiều HTX thành công có thể phản ảnh toàn bộ bức tranh phát triển kinh tế hợp tác khi chất lượng lên rất rõ, đa dạng thành phần, chủng loại khi từ thành thị, nông thôn, miền núi, độ tuổi lãnh đạo và đủ các loại ngành nghề.
Sự phát triển các HTX cho thấy đã giải quyết được nhận thức tư tưởng hạn chế: khó gắn bó HTX và không thể làm được. Từ bức tranh HTX hiện tại có thể khẳng định làm HTX khó, nhưng làm được và giải quyết được nhiều sinh kế cho người dân ở vùng nông thôn.
Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tại Quảng Nam vừa diễn ra nêu rõ 7 tồn tại, nhưng mấu chốt chỉ có mấy vấn đề. Đó là các HTX Quảng Nam bị hạn chế lớn về vốn, công nghệ, cán bộ quản lý và thị trường. Bốn vấn đề này không giải quyết được thì nội lực HTX vẫn cứ yếu kém. Cần khẳng định, phát triển HTX phải bắt đầu từ nội lực, nếu một cơ thể yếu ớt mà bỏ thuốc bổ vào cũng sẽ chết. Chỉ cơ thể khỏe mạnh thì bơm thuốc bổ vào mới có thể góp phần gia tăng sinh lực, năng lực tồn tại và phát triển. Cho nên điều đầu tiên phải thấy chính là nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, nâng cao nội lực. Mà muốn nâng cao năng lực cho HTX phải bắt đầu từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận đoàn thể và chính từ HTX trong việc tạo ra nội lực.
Quản lý Nhà nước HTX của địa phương cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Hiện tại, nhiều ngành trắng quản lý nhà nước về HTX. Ở tỉnh, Sở KH&ĐT - cơ quan quản lý nhà nước về HTX, nhưng chỉ phân công một người theo dõi HTX chứ không quản lý, thì không có cách gì quản lý tốt được. Một yêu cầu là các địa phương ít ra phải phân công, bố trí chuyên trách quản lý HTX. Ở các sở, ngành không có phòng thì cũng phải có vài ba nhân viên phụ trách chuyện này.
Vấn đề đặt ra là chúng ta có quan tâm hay không quan tâm mà thôi! Thực tiễn HTX đã chứng minh ở Tiên Phước, Phú Ninh, Đại Lộc…, chỉ cần một hai buổi hội nghị với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của các địa phương quan tâm đến sự sống còn của các HTX này, đã góp phần đưa số lượng HTX phát triển gấp 4 hay 5 lần so với ngày trước. Ngay như Tiên Phước năm 2016 chỉ có 8 HTX trung bình yếu thì sau 2 năm số lượng HTX tăng lên không ngừng.
Nếu giải quyết được hai vấn đề mấu chốt này thì sẽ tạo động lực cụ thể, dễ thấy HTX phát triển nhanh và mạnh trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Thành – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Điện Quang: “Cần cơ chế đặc thù cho HTX nông nghiệp chuyển đổi”
Thực hiện mối liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học) trong sản xuất nông nghiệp sẽ tạo cơ sở cho việc tích tụ ruộng đất. Phương thức liên kết liên doanh tạo ra sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị đủ tiêu chuẩn, đúng chất lượng để cạnh tranh trên thị trường… Những việc này sẽ tạo chuyển biến mới về nhận thức, lợi ích, tạo niềm tin về vai trò “bà đỡ cho kinh tế hộ” trong quan hệ giữa HTX và người nông dân khi tham gia tiếp cận phương thức sản xuất xuất hàng hóa… của HTX.
HTX không chỉ làm “bà đỡ” mà làm cầu nối, hỗ trợ kinh tế hộ. Nếu giúp HTX nông nghiệp phát triển cần định kỳ hàng tháng, quý hay 6 tháng cơ quan chức năng tổ chức gặp gỡ riêng HTX nông nghiệp đối thoại để cùng tháo gỡ khó khăn. Xây dựng hẳn một chuyên mục tuyên truyền nhận thức tạo điều kiện cho HTX phát triển. Luật đã có nhưng cần nghĩ đến cơ chế đặc thù cho HTX nông nghiệp chuyển đổi theo Luật HTX 2012 để có thể “sống sót, phát triển”, bởi sức cạnh tranh yếu. Cũng cần tăng cường cán bộ trẻ cho HTX.
Không thể vay vốn để phát triển là một sự thiệt thòi. Tài sản HTX không được phép thế chấp. Các cán bộ chủ chốt HTX đều phải vận động vợ hoặc chồng cầm bìa đỏ thế chấp vay ngân hàng để HTX hoạt động. Nhưng điều này chỉ là giải pháp tình thế, nên xem xét, mở rộng diện cho vay từ các quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ phát triển HTX để tạo thuận lợi cho HTX phát triển.
Có một nghịch lý, vay vốn khó, HTX đã góp vốn thành lập một quỹ tín dụng lại gặp luật cứng nhắc. Muốn xác lập thành viên vay vốn phải nộp 300.000 đồng và không muốn bị xóa tên phải đóng tiền giữ chân hàng năm. Còn nếu vay vốn từ quỹ tín dụng này trên 5 triệu đồng là phải thế chấp. Nhưng lạ là Đà Nẵng quy định thế chấp và xóa thế chấp chỉ 80.000 đồng, nhưng Quảng Nam thì mỗi khi ký thế chấp món vay phải nộp 275.000 đồng và khi xóa thế chấp lại tốn thêm 294.000 đồng nữa. Nông dân đã khó lại càng khó thêm. Chưa hết, Quỹ tín dụng của HTX huy động vốn nhưng toàn bộ tiền thừa lại phải điều tiết lên Ngân hàng HTX Việt Nam. Tiền của HTX, thừa thì gửi ngân hàng thương mại chứ tại sao phải nộp lên ngân hàng cấp trên. Thực tế, Quỹ tín dụng ra đời để giúp nông dân, giảm thiểu tình trạng cho vay nặng lãi, cũng nên nghiên cứu có cơ chế hợp lý cho các quỹ tín dụng này huy động và cho vay thuận lợi hơn.
Chính sách ban hành nhiều nhưng tiếp cận khó. Từ nguồn lực hỗ trợ đến vay vốn, thủ tục hồ sơ khó khăn. Không ít doanh nghiệp đến hợp tác liên kết làm nông sản hữu cơ nhưng thủ tục rắc rối, mấy tháng không xong nên họ đã bỏ đi. UBND tỉnh cần thành lập những tổ tư vấn, tổ khởi nghiệp, hướng dẫn thủ tục để có thể mở rộng việc phát triển, nâng cao chất lượng HTX. Hoàn thành nông thôn mới là kế hoạch dài hạn. Nông thôn nhất thiết phải mở HTX để làm cầu nối giữa doanh nghiệp - nông dân, kết nối sản xuất, tiêu thụ. Giúp HTX mạnh, hỗ trợ cho nông dân phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống là mục tiêu quan trọng cần sự hỗ trợ của Nhà nước.