“Khó xử” với Grab
Một cuộc “xâm chiếm” âm thầm của Grab tại nhiều khu vực, trong đó điểm nóng nhất là ở TP.Hội An gây nên những bức xúc đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách truyền thống khác; trong khi đó, nhiều hành khách lựa chọn loại hình này vì tiện lợi cũng như sự cạnh tranh về giá cả. Tuy nhiên, hiện cơ quan quản lý vẫn rất “khó xử” với loại hình vận tải Grab trên địa bàn tỉnh.
Grab “chạy chui”
Bắt đầu xuất hiện từ năm 2018 với rải rác một số xe hoạt động quanh khu vực sân bay Chu Lai, từ đầu năm 2019 đến nay, ô tô chạy dịch vụ thông qua ứng dụng Grab phát triển mạnh, đặc biệt là ở TP.Hội An. Chỉ cần mở ứng dụng Grab trên điện thoại di động có kết nối internet, người dùng có thể tìm thấy hàng chục ô tô trong vòng bán kính chưa đầy 2km ở khu vực TP.Hội An. Trong khi đó, theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng dưới hình thức Grab, Uber chỉ thực hiện trên phạm vi 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP.Hồ Chí Minh, nên việc ô tô chạy Grab xuất hiện ở Hội An là trái quy định. Đáng nói, số phương tiện dưới hình thức này vẫn đang âm thầm gia tăng.
Trong kiến nghị gửi các đơn vị có liên quan và chính quyền TP.Hội An, đại diện Công ty TNHH MTV Mai Linh Hội An thông tin, vào khoảng 17 giờ đến 20 giờ hàng ngày, ô tô chạy Grab lấn chiếm các tuyến vỉa hè dành cho người đi bộ để chờ đón khách, đồng thời mặc nhiên vào đón trả khách tại các tuyến đường cấm taxi như Phan Châu Trinh, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hai Bà Trưng tại TP.Hội An. Số lượng “xe dù” mang biển số ngoại tỉnh tràn vào TP.Hội An ngày càng nhiều, liên tục tăng về số lượng và rất khó kiểm soát đã tạo nên một cuộc cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp taxi truyền thống, trong đó có Mai Linh Hội An.
Trong khi doanh nghiệp vận tải phản ứng khá mạnh mẽ trước sự xuất hiện của Grab, thì nhiều người dân lại có xu hướng ưu ái sử dụng dịch vụ này vì tính cạnh tranh về giá cả lẫn sự tiện lợi. Anh Vũ Trọng Giang (một hành khách ở Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, trong những lần đến Hội An, anh đều sử dụng ứng dụng Grab đặt xe đón từ sân bay. “Grab giúp người dùng dễ theo dõi hành trình, xác định được chiều dài cung đường cũng như biết trước giá cả. Đặc biệt, giá xe Grab bao giờ cũng rẻ hơn taxi, lại thường xuyên có những chương trình ưu đãi nên càng ngày càng có nhiều người sử dụng dịch vụ này thay cho taxi truyền thống” - anh Giang nói.
Khó xử lý
Xử phạt gần 200 triệu đồng
Theo báo cáo của Thanh tra Sở GTVT, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý đối với 56 trường hợp “xe dù” vận chuyển hành khách không đúng quy định, trong đó có hàng chục trường hợp là ô tô chạy Grab, với tổng mức tiền phạt gần 200 triệu đồng. Đơn vị này cũng cho biết, khó khăn hiện tại trong việc xử lý xe Grab, “xe dù” là thẩm quyền dừng phương tiện theo quy định bị hạn chế; chỉ có đội kiểm tra liên ngành mới có thẩm quyền dừng, kiểm tra. Thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của đội liên ngành để tăng cường xử lý đối với xe Grab theo chỉ đạo của Bộ và Sở GTVT.
Ông Lê Văn Trí - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) cho hay, hiện tại ô tô chạy Grab là đối tượng kinh doanh không rõ loại hình vận tải, hoạt động xen lẫn vào hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Điều này xuất phát từ việc điều kiện vận tải khách theo hợp đồng chưa ràng buộc chặt chẽ, cũng như dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP trong đó có nội dung về tổ chức, hoạt động của loại hình vận tải điện tử, taxi công nghệ (Grab, Uber…) đã điều chỉnh 7 lần song vẫn chưa được thống nhất ban hành, gây khó cho việc giải quyết các phát sinh từ thực tiễn. “Lúc đầu, Grab xuất hiện manh nha ở sân bay Chu Lai dù chưa được phép hoạt động trên địa bàn Quảng Nam. Chúng tôi đã xử lý nghiêm đối với một số trường hợp, tình trạng này giảm hẳn, nhưng sau đó lại xuất hiện mạnh hơn ở Hội An” - ông Trí cho hay.
Ngay từ đầu năm, nhận thấy tình hình các phương tiện đăng ký tăng đột biến về các hợp tác xã hoạt động kinh doanh vận tải, Sở GTVT đã chỉ đạo thanh tra sở tập trung lực lượng kiểm tra thường xuyên lẫn đột xuất các phương tiện để xử phạt, răn đe khi có sai phạm. Trong quý I.2019, Sở GTVT đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất kiểm tra 4 hợp tác xã có hiện tượng hoạt động Grab, đã chỉ đạo tạm dừng cấp phù hiệu, biển hiệu, kiểm tra sự phù hợp của phương án kinh doanh, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra để xử lý hoạt động vận tải trá hình.
Tuy nhiên, Thanh tra Sở GTVT gặp nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm do nhà xe lập danh sách giả để đối phó, hành khách đi xe thường không hợp tác với lực lượng chức năng, bao che cho chủ xe, văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở, chế tài quản lý chưa hoàn thiện. Từ tháng 8.2019, Sở GTVT đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tăng cường công tác quản lý, theo dõi đối với lái xe, phương tiện vận tải tham gia hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng; yêu cầu các thành viên, cá nhân cam kết không tham gia loại hình vận tải hợp đồng điện tử, taxi công nghệ để theo dõi, quản lý và xử lý vi phạm theo cam kết.
Trong báo cáo gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về tình hình hoạt động của ô tô chạy Grab, ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở GTVT cho hay, ban đầu, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị taxi truyền thống, lực lượng Thanh tra của Sở GTVT đã phát hiện, kiểm tra, xử lý khá hiệu quả tình trạng xe Grab “chạy chui”. Tuy nhiên sau đó, các chủ phương tiện vận tải hành khách theo hình thức này nắm bắt được quy luật hoạt động của lực lượng thanh tra, vận động các lái xe taxi truyền thống bao che nên việc xử lý ngày càng khó khăn. “Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh lập đội liên ngành gồm Thanh tra GTVT, CSGT, thuế, quản lý thị trường, công an địa phương để kiểm tra, xử lý đối với các xe này song điều kiện lực lượng, kinh phí hạn chế nên hoạt động liên ngành chỉ theo từng đợt trong kế hoạch, không duy trì thường xuyên, chỉ có tác dụng chấn chỉnh một phần. Sở GTVT đề nghị Bộ GTVT yêu cầu Công ty TNHH Grab Việt Nam cam kết không triển khai hoạt động của đơn vị trên địa bàn Quảng Nam, đồng thời đề xuất Chính phủ sớm đưa loại hình này đi vào hoạt động chính thức theo khuôn khổ pháp luật để bảo vệ môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo giao thông và trật tự xã hội” - ông Sinh nêu.
Gần đây, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Grab không triển khai thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng (hợp đồng điện tử) trên địa bàn Quảng Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa đủ hành lang pháp lý để xử lý triệt để đối với hành vi vi phạm của các phương tiện hoạt động theo hình thức xe Grab, mức phạt đối với phương tiện cố tình lách luật, kinh doanh vận tải không phép vẫn còn khá nhẹ, việc xử lý sẽ còn gặp nhiều cái khó.