Phát triển kinh tế với nghề mộc
Tận dụng nguồn nguyên liệu gỗ vườn sẵn có ở địa phương, anh Nguyễn Phước Đại, thôn 4, xã Bình Lãnh (Thăng Bình) phát triển kinh tế với nghề mộc. Đến nay, xưởng mộc với diện tích gần 200m2 của anh đã cung cấp nhiều mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ được khách hàng trong và ngoài địa phương ưa chuộng.
Sau khi học hết THPT, anh Nguyễn Phước Đại cùng bạn bè đồng trang lứa xa quê để làm ăn. Công việc thợ nề tại TP.Hồ Chí Minh mang lại thu nhập khá, nhưng cảnh sống xa nhà, bao khoản chi phải lo ở thành phố không đủ để anh trang trải. Năm 2008, anh Đại quyết định theo anh rể học nghề mộc. Đam mê với những thanh gỗ, những họa tiết chạm khắc khi nào chẳng hay, để rồi sau bao năm học nghề, đến năm 2013, anh Đại quyết định ra riêng, tự mở một xưởng mộc nhỏ trên chính quê hương Bình Lãnh. Anh Đại kể thời gian đầu khó khăn, vất vả chồng chất, bởi nghề này cần phải có vốn đầu tư ban đầu, sau khi sản phẩm làm ra cần phải có nơi tiêu thụ. Những sản phẩm như giường, bàn ghế… được anh Đại làm ra từ chính những mẫu thiết kế đặt hàng đã dần chiếm được lòng tin của khách hàng. Chính sự siêng năng, cần cù đã giúp anh kết nối với người tiêu dùng trong và ngoài huyện. Đến nay, sản phẩm của anh đã có mặt ở thị trường trong tỉnh, TP.Đà Nẵng và nhận được những phản hồi tích cực. Nhớ lại hành trình gian khó ấy, anh Đại cho hay: “Những khó khăn thì không thể kể hết được. Nhưng nếu đã quyết tâm khởi nghiệp thì theo tôi, phải thật sự siêng năng, học hỏi, tiếp thu góp ý; đặc biệt phải theo kịp công nghệ và nắm bắt được xu hướng của thị trường”.
Mở rộng xưởng mộc nhỏ ngày nào lên diện tích gần 200m2, anh Đại quyết định thay thế những máy móc chỉ làm những sản phẩm thủ công truyền thống bằng máy CNC 4 mũi, máy chà nhám thùng. Đại chia sẻ, xu hướng thị trường hiện nay hướng đến những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ. Với việc trang bị máy CNC sẽ giúp rút gọn công đoạn, tăng năng suất lao động, cho ra những sản phẩm đẹp, đều, sắc nét. Nhờ đó, doanh thu hằng năm của cơ sở đạt từ 200 - 300 triệu đồng/năm.
Theo anh Châu Xuân Quang - Phó Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình, anh Đại rất chịu khó học hỏi, tìm tòi để khởi nghiệp cũng như tìm kiếm thị trường, sáng tạo ra mẫu mã mới. Từ nguồn kinh phí khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại dịch vụ, huyện Thăng Bình đã hỗ trợ anh Đại 80 triệu đồng để góp phần cải tiến máy móc. nâng cao năng suất. “Đối với Huyện đoàn, năm qua đã phối hợp với Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện khảo sát nhu cầu thực tế của thanh niên, hỗ trợ viết đề án, chuyển giao máy móc tiên tiến như máy CNC. Qua chương trình này, chúng tôi đã đưa được chính sách khuyến công, hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế” - anh Châu Xuân Quang cho biết.
Với việc ứng dụng máy CNC vào trong sản xuất đã giúp cơ sở của anh Đại nâng công suất lên 300m3 sản phẩm/năm, tạo việc làm ổn định cho 5 - 7 lao động trên địa bàn với mức thu nhập bình quân là 6,5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, sẽ góp phần phát triển nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, thúc đẩy phát triển sản xuất ngành nghề nông thôn, góp phần phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Thăng Bình. Nắm bắt xu hướng công nghệ, tiếp cận thị hiếu của khách hàng, những dự định phía trước vẫn còn rất nhiều với anh Nguyễn Phước Đại và điều anh đang ấp ủ đó là mở một đại lý kinh doanh hàng nội thất để giới thiệu sản phẩm do chính cơ sở làm ra.