Khuyến khích đầu tư hệ thống điện mặt trời
Tại Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) tăng đột biến, được xem là tín hiệu vui của ngành điện về sự lan tỏa giải pháp xanh, sử dụng năng lượng tái tạo.
Giải pháp bền vững
ĐMTAM là mô hình sản xuất nguồn điện từ các tấm pin năng lượng mặt trời áp trên mái nhà, hấp thụ năng lượng từ ánh sáng mặt trời rồi tạo ra nguồn điện. Mô hình ĐMTAM phổ biến hiện nay là dùng giải pháp hòa với lưới điện quốc gia và lượng điện dôi dư ra lại có thể bán lại cho ngành điện. Chi phí lắp đặt hệ thống ĐMTAM dao động từ 18 đến 22 triệu đồng/kWp điện. Nếu đầu tư hệ thống có công suất càng lớn thì chi phí lắp đặt mỗi kWp sẽ giảm. Theo các chuyên gia, mỗi kWp điện tương ứng với diện tích lắp đặt tấm pin khoảng 7 - 9m2, sản lượng phát tùy thuộc vào thời tiết, trung bình khoảng 4 - 5 kWh/ngày. Theo tính toán từ các nhà cung cấp, đầu tư một hệ thống ĐMTAM với tuổi thọ của tấm pin năng lượng mặt trời từ 25 - 30 năm, thì khoảng 5 - 6 năm sẽ thu hồi vốn.
Theo Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam), trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều nhà cung cấp, lắp đặt ĐMTAM cùng với các tổ chức tài chính hỗ trợ các gói vay với lãi suất ưu đãi cho khách hàng có nhu cầu lắp đặt ĐMTAM. Khách hàng có thể đăng ký nhu cầu nối lưới hệ thống ĐMTAM với PC Quảng Nam thông qua tổng đài 19001909 hoặc tất cả các kênh giao tiếp của đơn vị để được hỗ trợ. Hằng tháng, PC Quảng Nam phối hợp với khách hàng để chốt sản lượng điện phát lên lưới điện. PC Quảng Nam thực hiện thanh toán tiền mua ĐMTAM cho khách hàng bằng hình thức chuyển khoản. Các thiết bị của hệ thống ĐMTAM bao gồm 4 phần chính. Thứ nhất là dàn tấm pin, dùng để hấp thụ ánh sáng mặt trời tạo thành dòng điện một chiều. Thứ hai, Inveter hòa lưới, dùng để chuyển đổi dòng điện một chiều thành dòng điện xoay chiều cung cấp cho hộ gia đình và lượng điện dư không sử dụng sẽ được phát ngược bán lên lưới của ngành điện. Thứ ba, hệ thống khung giàn giá đỡ dùng để gắn, đỡ các tấm pin trên mái nhà và tạo góc nghiêng phù hợp cho tấm pin để hứng áng sáng mặt trời tối đa. Thứ tư, công tơ 2 chiều, được điện lực lắp miễn phí, dùng để đo đếm điện năng giao nhận. Chiều giao là chiều khách hàng mua điện từ lưới của ngành điện, chiều nhận là chiều khách hàng bán điện từ hệ thống lên lưới điện.
Bộ Công Thương đã khởi động “Chương trình thúc đẩy phát triển ĐMTAM tại Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025” nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào ĐMTAM với mục tiêu đến cuối năm 2025 có 100.000 hệ thống được lắp đặt và vận hành. Chương trình gồm năm hợp phần: Xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định hỗ trợ phát triển ĐMTAM theo hướng sẵn sàng chuyển đổi sang điều kiện thị trường; tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm; thúc đẩy các điều kiện thị trường và chương trình tài trợ thí điểm; chương trình chứng chỉ ĐMTAM; xây dựng hệ thống thông tin quản lý và chiến lược truyền thông. Theo EVN, đến ngày 18.7.2019, cả nước đã có 9.314 khách hàng lắp hệ thống ĐMTAM với tổng công suất lắp đặt 193MWp (204 hệ thống được lắp trên các tòa nhà của ngành điện; 7.550 hộ dân lắp trên mái nhà).
Khách hàng tăng đột biến
Theo PC Quảng Nam, năm 2018, toàn tỉnh chỉ có 10 công trình ĐMTAM với tổng công suất 58kWp. Trong 9 tháng đầu năm 2019, đã có 159 khách hàng đầu tư hệ thống với công suất lắp đặt gấp 30 lần năm ngoái. Ngoài sử dụng cho gia đình, nguồn điện dư ra của chủ đầu tư công trình đã được bán lại cho ngành điện. Đến đầu tháng 9.2019, tổng số tiền PC Quảng Nam thanh toán cho khách hàng hơn 203 triệu đồng. Theo PC Quảng Nam, sản lượng điện phát ra từ hệ thống ĐMTAM được khách hàng trực tiếp sử dụng, giúp tiết kiệm chi phí trong việc mua điện trực tiếp từ lưới điện của công ty. Phần sản lượng điện dư từ hệ thống phát lên lưới điện sẽ được công ty mua lại với giá quy định của Bộ Công Thương (năm 2019 là 2.134 đồng/kWh).
Theo ông Trần Phước Một - Phó Giám đốc Điện lực Đại Lộc, hiện có 16 khách hàng tại Đại Lộc lắp đặt hệ thống ĐMTAM (12 khách hàng sinh hoạt và 4 khách hàng ngoài mục đích sinh hoạt) với tổng công suất 333kWp. Ông Trần Minh Trí - Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Đại Lộc cho biết thêm, các hộ lắp đặt ĐMTAM hiện hoạt động hiệu quả. Nhiều gia đình sử dụng không hết nguồn điện còn bán điện cho hệ thống điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, số lượng người lắp đặt chưa nhiều, do e ngại chi phí đầu tư ban đầu lớn. Ước tính, chỉ khoảng tầm 6,5 năm thì chủ hộ đã có thể thu hồi vốn và được đơn vị thi công bảo hành mạng lưới trong vòng 20 năm.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu lắp đặt ĐMTAM, có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia. EVN cũng đề nghị Bộ Công Thương cần sớm ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 16/2017/TT-BCT ngày 12.9.2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời, để EVN và các đơn vị điện lực chính thức ký kết hợp đồng và thanh toán tiền điện cho khách hàng. EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời nói chung và ĐMTAM nói riêng sau ngày 30.6.2019...