Chuỗi sản xuất, chế biến hàng nông sản: Khó từ vùng nguyên liệu

VIỆT NGUYỄN 18/09/2019 16:03

Thị trường tiêu thụ nông sản sạch đang rộng mở. Tuy nhiên, hàng loạt khó khăn đang đặt ra đối với các cơ sở chế biến, nhất là nguồn nguyên liệu đầu vào.

Dầu tinh chất Bảo Tâm được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: QUANG VIỆT
Dầu tinh chất Bảo Tâm được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: QUANG VIỆT

Tại Hội chợ thương mại Festival Di sản Quảng Nam năm 2019 do Sở Công Thương tổ chức tại TP.Hội An mới đây có sự xuất hiện của nhiều mặt hàng nông sản Quảng Nam như: sản phẩm yến sào của Công ty TNHH MTV Yến sào Đất Quảng (xã Bình Đào, Thăng Bình); các sản phẩm tinh dầu phụng, dầu mè của HTX Sản xuất dầu nguyên chất Bảo Tâm (TP.Tam Kỳ) hay HTX Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn). Ngoài ra còn có thể kể đến, chè dây, giảo cổ lam, sâm cau, khổ qua rừng, các loại nấm, các loại trái cây, hàng thực phẩm chế biến từ nông sản, các loại rau, quả...

Tuy nhiên, ngoài một số sản phẩm có mẫu mã tốt, bao bì đẹp, còn rất nhiều sản phẩm ở dạng thô, chỉ mới qua sơ chế hoặc chưa tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh nên giá trị đạt thấp. Trong khi đó, người dùng lại chuộng hàng hóa tinh chế, vượt trội về chất lượng so với sản phẩm cùng loại. Giá bán hàng hóa nông sản khá cao do giá thành lớn bởi sản xuất nhỏ lẻ, không tiết kiệm được chi phí. “Không ít sản phẩm nông sản tại hội chợ bộc lộ các điểm yếu là doanh nghiệp, HTX thiếu vốn sản xuất, công nghệ cũ, trình độ năng lực sản xuất còn hạn chế, khả năng tiếp cận xu hướng mua sắm của thị trường còn lạc hậu” - ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho biết.

Nguồn nguyên liệu thiếu về lượng, yếu về chất đã gây khó khăn cho chế biến hàng hóa nông sản. Đậu phụng - nông sản đặc trưng xứ Quảng - ngỡ như có thể canh tác ở mọi vùng chuyên canh cây nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lại đang thiếu trầm trọng. Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang cho biết, để chủ động nguồn nguyên liệu tự nhiên, sạch, HTX đã xây dựng riêng vùng trồng đậu phụng áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ có diện tích 10ha nhưng vẫn không đảm bảo nguyên liệu, dự định tiếp tục mở rộng diện tích nhưng khó huy động vốn.

Trong khi đó, theo ông Võ Tấn Sanh - Chủ tịch HTX Nông nghiệp Bình Đào (Thăng Bình), nông dân vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác đậu phụng nên nguồn nguyên liệu không đáp ứng yêu cầu, khó tạo nên dầu phụng sạch để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Tương tự, ông Phan Đình Tuấn - chủ Cơ sở sản xuất bánh dừa Bảo Linh (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) cũng cho biết, do đơn đặt hàng sản phẩm ngày càng nhiều hơn nên phải rất vất vả vào các tỉnh, thành miền Nam để lựa chọn mua nguyên liệu dừa đảm bảo chất lượng về chế biến bánh chứ Quảng Nam khan hiếm.

Đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, HTX, làng nghề chế biến nông sản, ông Đinh Văn Phúc cho rằng, ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương toàn tỉnh quy hoạch, xây dựng các vùng chuyên canh trồng cây nguyên liệu tập trung để sản xuất hàng hóa lớn, cung cấp cho các cơ sở chế biến nông sản, đôi bên cùng có lợi. Ngành nông nghiệp cần tham mưu UBND tỉnh có cơ chế thông thoáng hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, làng nghề chế biến nông sản về vốn, lao động tay nghề cao, công nghệ sản xuất tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản chế biến. “Chúng tôi luôn tạo cầu nối xúc tiến thương mại để nông sản chế biến của tỉnh rộng mở thị trường tiêu thụ, đem lại giá trị kinh tế cao” - ông Phúc nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, không ít chuỗi sản xuất - chế biến - bảo quản - tiêu thụ nông sản được hình thành trên địa bàn tỉnh đã cho thấy nhiều ưu việt, giá trị sản xuất cao trên 1 đơn vị diện tích, lại đảm bảo nguồn nguyên liệu để chế biến nông sản sạch, an toàn được thuận lợi, đem lại giá trị kinh tế lớn cho nhà chế biến nông sản. “Phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản là hướng đi tất yếu. Tỉnh luôn đồng hành với nông dân, doanh nghiệp, HTX trong sản xuất và chế biến nông sản với nhiều cơ chế hỗ trợ về tích tụ, tập trung ruộng đất, vốn liếng, đào tạo nghề, khơi thông thị trường. Các chủ thể sản xuất cần phát huy nội lực, tư duy sáng tạo, tiếp cận thị trường bằng chất lượng sản phẩm, uy tín, thương hiệu, vị thế” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

VIỆT NGUYỄN