Duy Xuyên nâng tầm sản phẩm
Thời gian qua, chính quyền cùng ngành liên quan ở huyện Duy Xuyên tích cực hỗ trợ chủ thể tham gia Chương trình OCOP đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã, xúc tiến thương mại và tạo điều kiện đưa sản phẩm vươn đến những thị trường lớn đầy tiềm năng.
Tín hiệu vui
Xã Duy Sơn hiện có 50ha đất chuyên canh cây sen, trong đó thôn Chánh Lộc chiếm hơn 70% diện tích. Nhờ áp dụng bài bản quy trình kỹ thuật thâm canh, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nên cây sen sinh trưởng, phát triển tốt. Qua số liệu thống kê, năm 2019 này 1ha sen cho thu hoạch 2,7 - 3,2 tấn hạt tươi. Với giá bán trên thị trường dao động 28 -32 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, nhà nông lãi ròng 130 - 160 triệu đồng/ha, cao gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa. Không chỉ vậy, hạt sen Trà Lý ít bị lép, sản phẩm chế biến có mùi thơm tự nhiên và bở nên rất được thị trường ưa chuộng.
Ông Phạm Đắc Thành - Tổ trưởng Tổ hợp tác sen Trà Lý cho biết, vụ sen năm nay đơn vị tiến hành thu mua 9 tấn hạt sen tươi của người dân nơi đây về chế biến, cung cấp ra thị trường đủ các loại sản phẩm như hạt sen khô, tim sen... Trừ các khoản chi phí, cơ sở thu lãi không dưới 80 triệu đồng. “Năm 2019, hạt sen của đơn vị được chọn xây dựng trở thành sản phẩm OCOP, tôi xác định đây là cơ hội tốt để khẳng định thương hiệu lẫn chất lượng. Vì vậy, ngoài việc đầu tư mua sắm máy lột hạt sen, máy sấy cùng một số trang thiết bị khác, tôi đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ, biểu mẫu theo quy định để tham gia dự thi OCOP cấp tỉnh thời gian tới” - ông Thành nói.
Trong khi đó, ông Trần Hữu Phương - Giám đốc Công ty TNHH Lụa Mã Châu (thị trấn Nam Phước) cho biết, trải qua thời kỳ dài hoạt động trì trệ, kém hiệu quả, những năm gần đây cơ sở có bước khởi sắc khi nhu cầu tiêu dùng và số đơn hàng đã tăng gấp 10 lần so với năng lực sản xuất. Hiện nay, sản lượng của công ty đạt khoảng 15.000m lụa/tháng, bao gồm satanh, hoa, đũi, taffeta... đem lại doanh thu khoảng 2,2 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ tơ lụa chủ yếu trong nội địa. Ông Phương chia sẻ thêm: “Với việc được chọn xây dựng sản phẩm OCOP năm 2019, chúng tôi mong sẽ nhận được sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành trong khâu sản xuất sản phẩm, từ công nghệ dệt, nhuộm đến phát triển thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ”.
Nâng tầm giá trị
Đa dạng sản phẩm
Không chỉ hạt sen Trà Lý và khăn lụa Mã Châu, năm 2019 huyện Duy Xuyên nỗ lực xây dựng 10 sản phẩm khác thành sản phẩm OCOP gồm: hạt sen khô Mỹ Sơn, nấm bào ngư Thu Bồn, rau muống, nước mắm Duy Trinh, chậu gốm trồng hoa, chiếu cói Bàn Thạch, quạt gỗ trang trí, trà lá sen, chả lụa và lạp xưởng nguyên chất từ thịt heo sạch. Bà Trần Thị Mỹ Hương - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, trong số sản phẩm nêu trên, nhiều khả năng Duy Xuyên có ít nhất 5 - 7 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Hầu hết sản phẩm bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và đóng góp tích cực vào công cuộc giảm nghèo ở địa phương. Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất hiện nay là phương thức chế biến, bảo quản vẫn còn thủ công, chưa ứng dụng bài bản khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng nhiều loại sản phẩm chưa cao. Cạnh đó, mẫu mã bao bì, kiểu dáng còn sơ sài, thiếu tính thương mại trong khi thị trường tiêu dùng ngày càng đòi hỏi một khắt khe hơn về khâu kiểm định chất lượng, xuất xứ đối với những sản phẩm nông nghiệp, du lịch, thủ công mỹ nghệ...
Ông Trần Hữu Phương - Giám đốc Công ty TNHH Lụa Mã Châu cho biết, dù đã có những tín hiệu khả quan trong hoạt động sản xuất - kinh doanh tơ lụa nhưng để tồn tại, phát triển và tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đơn vị đang gặp không ít khó khăn, như nguồn nguyên liệu, chi phí sản xuất cao dẫn đến giá thành cao. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thị trường, cơ sở vừa sản xuất sản phẩm 100% lụa tơ tằm nguyên chất, vừa lụa tơ tằm pha sợi công nghiệp. Ông Phương nói: “Thời gian đến, với việc tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi có thêm động lực tập trung sản xuất các sản phẩm lụa tơ tằm chất lượng cao, nhuộm màu hoàn toàn bằng tự nhiên, tiếp tục khẳng định chất lượng và tránh bị làm giả trên thị trường. Thông qua chương trình, đơn vị mong muốn có thêm những kênh quảng bá bán hàng thuận tiện để không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Theo lãnh đạo UBND huyện Duy Xuyên, để nâng tầm giá trị cũng như xây dựng thành công sản phẩm OCOP, thời gian tới địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thêm nhiều kênh phân phối để sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến. Ông Huỳnh Ngọc Bá - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói: “Địa phương sẽ tập trung hướng dẫn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, xây dựng hoàn chỉnh nhãn mác, bao bì cho sản phẩm. Đặc biệt, tạo điều kiện để doanh nghiệp được tham gia trưng bày, giới thiệu, bày bán sản phẩm tại các hội chợ, trung tâm triển lãm, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, huyện đề xuất với ngành cấp trên có cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính đột phá để chủ thể tham gia chương trình này yên tâm đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Và, chúng tôi cam kết luôn đồng hành, đóng vai trò kiến tạo, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hỗ trợ các khâu nhằm mở rộng mạng lưới bán hàng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đảm bảo nông thôn mới phát triển bền vững”.